Ngày 21/9 (theo giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm chính sách để lắng nghe ý kiến của các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale.

Tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động".

Việt Nam có những quyết sách rất đúng đắn khi xử lý các tình huống khủng hoảng

Nhắc lại chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden ngày 10-11/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dấu mốc lịch sử, nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là nền tảng, trọng tâm và động lực; hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và coi trọng sự khẳng định của Mỹ: Tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại hơn một năm trước, tại Boston, ông đã cùng các giáo sư, chuyên gia kinh tế thảo luận về chủ đề xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Qua đó hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau hơn về chủ trương, đường lối chính sách phát triển của Việt Nam.

Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường đối thoại, trao đổi, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế, phát triển với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Cuộc tọa đàm hôm nay tập trung trao đổi sâu hơn về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại tọa đàm, GS. Thomas Vallely đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt việc xác định và phân tích các vấn đề của mình, cũng như tìm phương án giải quyết. Nhờ đó, Việt Nam có những quyết sách rất đúng đắn khi xử lý các tình huống khủng hoảng, như đại dịch Covid-19.

Theo GS. Thomas Vallely, Chính phủ Việt Nam chuyển hướng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch và huy động được nguồn vắc xin trên khắp thế giới, phục vụ cho chiến lược tiêm chủng.

GS. David Dapice - Trường Harvard Kennedy

Còn GS. David Dapice (Trường Harvard Kennedy) chỉ ra Việt Nam là một trong nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới chậm lại do nhiều yếu tố tác động và chắc chắn tăng trưởng của Việt Nam chịu ảnh hưởng.

Nhìn nhận Việt Nam có khả năng cao thu hút FDI nhưng GS. David Dapice cũng lưu ý, sản xuất hàng xuất khẩu da giày, dệt may còn hàm lượng công nghệ thấp, không giúp đem lại giá trị gia tăng.

Vì vậy, Việt Nam cần gia tăng hàm lượng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy quy mô hoạt động xuất khẩu, gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu để có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Trong đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế và chỉ có tăng cường kỹ năng cho người lao động mới có thể bắt kịp và vượt các nước trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam không thể làm một mình, mà cần liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn.

Tỷ phú gốc Việt Chính Chu cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ, bán dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng.

Theo ông, Việt Nam không cần sản xuất máy móc như tivi, máy rửa bát, mà cần hợp tác với Mỹ để sản xuất chip bán dẫn. Hiện nay, Đài Loan đang là nơi sản xuất rất nhiều loại chip. Vì vậy, Việt Nam cần lựa chọn đầu tư loại chip công nghệ cao, mở rộng hợp tác với các nước EU như Anh, Đức, Pháp.

Ông Chính Chu cho hay Việt Nam nên học tập mô hình của Singapore thành lập các quỹ lớn của Chính phủ để thúc đẩy đầu tư như lập quỹ Temasek. Điều này không chỉ giúp tăng đầu tư nội địa vào sản xuất mà còn đem lại lợi nhuận tốt cho người dân.

Bên cạnh đó, tỷ phú Chính Chu cũng lưu ý, Việt Nam cần tăng cường hoạt động giáo dục  - đào tạo. Trong đó cần chú ý phải tăng 10 lần số lượng kỹ sư có tay nghề cao để phát triển ngành công nghệ cao.

Nhấn mạnh trụ cột phát triển ngành công nghệ cao phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, ông cho rằng, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi, do đó cần đẩy nhanh quá trình này.

Cần lựa chọn ưu tiên

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng “cần lựa chọn ưu tiên”, trong đó chủ yếu tập trung vào những ngành mới nổi là kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; cùng với đó là đầu tư hạ tầng thông tin, năng lượng, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến góp ý của chuyên gia

Việt Nam phải có bước đi phù hợp với một nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế vừa phải, độ mở nền kinh tế cao, khả năng thích ứng còn hạn chế.

“Trong tất cả bông hoa đẹp, phải chọn bông hoa nào để tôn vinh vẻ đẹp của mình. Đó là lựa chọn của Việt Nam”, Thủ tướng ví von.

Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào kỹ năng nghề, trước đây là da giày, điện tử, dệt may thì nay phải được nâng cao lên như thiết kế, sản xuất chip bán dẫn...

Đi cùng đó là tổ chức sản xuất, các chuỗi cung ứng để vừa đáp ứng điều kiện của Việt Nam, vừa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy Thủ tướng cũng tán thành với các ý kiến cho rằng phải lựa chọn FDI phù hợp hoàn cảnh Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng tình phải tập trung vào đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có phương thức và nội dung đào tạo phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực ưu tiên của từng giai đoạn.