Đổ vốn vào vào thị trường bán lẻ

MM Depot Thanh Hoá - trung tâm giao hàng thứ 7 của MM Mega Market trên toàn quốc, vừa đi vào hoạt động. Trung tâm này hướng đến khách hàng trong lĩnh vực HORECA (Hotel-Restaurant-Catering/Cafe/Canteen), tức là cung cấp thực phẩm, đồ uống cho khách sạn, nhà hàng và ngành dịch vụ liên quan đến ăn uống tại địa phương.

Bước đi này của MM Mega Market (thành viên thuộc Tập đoàn đa quốc gia BJC/TCC - Thái Lan) nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phục vụ trung chuyển, lưu trữ, phân phối nguồn thực phẩm với số lượng lớn, tươi sống đến khách hàng xứ Thanh.

Ông Bruno Jousselin, Tổng giám đốc Điều hành kiêm cung ứng toàn cầu của MM Mega Market Việt Nam, cho biết, khi thực hiện mở trạm Depot gần 700m2 tại Thanh Hóa, đơn vị này đánh giá cao thế mạnh phát triển kinh tế, với mũi nhọn du lịch của địa phương. 

Trước đó, hồi tháng 2/2023, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế có diện tích 8,62 hecta, tổng vốn đầu tư hơn 169 triệu USD, cũng được khởi công. Đây là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Trung hiện nay.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho hay, đơn vị sẽ linh hoạt trong mở rộng kinh doanh. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản có ý định mở nhiều cửa hàng đa dạng hình thức, đáp ứng hành vi mua sắm của khách hàng.

Thị trường tiêu dùng nội địa được các tập đoàn nước ngoài quan tâm. (Ảnh: Anh Nguyễn)

Động thái trên của hai tập đoàn hàng đầu đến từ Thái Lan, Nhật Bản chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam, dù nền kinh tế đang phải đối mặt với khó khăn nhất định.

Dữ liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, riêng trong năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỷ USD. Các dự án của Đài Loan tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản. Hai tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về vốn FDI vào Việt Nam với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư.

Nhìn nhận về điều này, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho hay, dòng vốn mới đang đến từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) hay Ấn Độ. Thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; dự án Royal Centre; Khách sạn Nikko Hotel.

Tại TP.HCM, địa phương đang dẫn đầu về số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực so với cả nước (tổng vốn đầu tư khoảng 56,35 tỷ USD), trong 2 tháng đầu năm 2023, có 103 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 99 triệu USD (tăng 47,1% số dự án cấp mới và tăng 24,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Cụ thể, tỷ lệ vốn theo ngành nghề/lĩnh vực, gồm: Xây dựng đứng đầu, chiếm 54%; Bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 32%; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 7,5%.

Tiêu dùng Việt Nam sẽ vượt xa Thái Lan, Anh, Đức

Theo ông Joonsuk Park, Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (HSBC Việt Nam), đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy và giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã tích cực tìm cách tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) như một công cụ tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.

Mặt khác, thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng là một đấu trường quan trọng không kém đối với các công ty đa quốc gia. Nghiên cứu của HSBC chỉ ra, đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam sẽ vượt xa Thái Lan, Anh và Đức. 

Hiện, các nhà đầu tư FDI hoặc các công ty đa quốc gia trong khu vực và toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam đóng góp hiệu quả cho hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước. Trong số đó, phần lớn là công ty trong nội khối châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam gồm điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc nói chung, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ,...

Đối với những lĩnh vực này, các công ty đa quốc gia châu Á từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò không thể thiếu. 

“Bước sang năm 2023, chúng tôi chứng kiến một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics,... Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam”, đại diện HSBC chia sẻ.

Doanh nghiệp có đất mà không xây được nhà máyCác dự án mới trong KCN này hiện không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn, không thể xin giấy phép xây dựng hoặc tham gia chương trình kích cầu của thành phố.