Tại họp báo thường kỳ chiều nay (8/7), báo chí đặt câu hỏi đến Bộ Ngoại giao về thông tin tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong tháng 10/2021 nhằm "thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp với vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS)".
Tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn lớn nhất Trung Quốc hiện nay. Ảnh: Xinhua |
Bà Hằng khẳng định, mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị.
Theo trang Tin tức tàu thuyền Trung Quốc, tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển". Truyền thông Trung Quốc thông tin, con tàu sẽ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10, để nghiên cứu "hơi ẩm ở vùng ranh giới phía tây Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận nhằm có thể cung cấp hỗ trợ khoa học trong phòng chống thiên tai".
Mặc dù Bắc Kinh cho rằng các nghiên cứu hàng hải sẽ được sử dụng vì lợi ích cộng đồng, nhưng các hoạt động như vậy thường khiến các nước láng giềng ở Biển Đông nghi ngại.
Thành Nam
Trung Quốc điều tàu nghiên cứu lớn nhất đến Biển Đông
Tàu nghiên cứu lớn nhất và mới nhất của Trung Quốc dự kiến sẽ có chuyến đi đầu tiên tới Biển Đông trong tháng 10, nhằm thực hiện tham vọng khám phá vùng biển giàu tài nguyên này.