Chiều 23/8, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) năm 2024. Đây là năm thứ 7 sự kiện AI4VN được Bộ KH&CN tổ chức nhằm thúc đẩy hệ sinh thái phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực trong hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Năm 2023, thị trường AI toàn cầu đạt 196 tỷ USD; Tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2023-2030 khoảng 20 lần. Với tốc độ dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân, trí tuệ nhân tạo đã tác động đến mọi mặt của xã hội.
Việt Nam sẽ bình dân hóa AI
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, trí tuệ nhân tạo đang phát triển vượt bậc và cho thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết các thách thức xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị trí tuệ nhân tạo. Vấn đề về đạo đức trí tuệ nhân tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm và thảo luận sôi nổi.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới.
“Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định.
Hoan nghênh một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm AI dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm trí tuệ nhân tạo để phục vụ đời sống.
Thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cam kết với Phó Thủ tướng sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, kết nối, trao đổi tri thức và phát triển AI, đẩy mạnh phong trào bình dân hóa AI, từ đó phát triển một hệ sinh thái khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Đâu là tương lai của trí tuệ nhân tạo?
Theo ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, thế giới đang ở giao lộ của sự thay đổi và tương lai của Việt Nam rất hứa hẹn khi chúng ta có khả năng nắm bắt rất tốt các cơ hội từ sự thay đổi đó.
Đại diện của Google ở Việt Nam cho rằng, sau sự xuất hiện của máy tính để bàn (PC), điện thoại di động, mạng xã hội, điện toán đám mây... AI sẽ chính là làn sóng công nghệ tiếp theo, mang đến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ tới.
Theo đại diện Google, xu hướng ứng dụng AI trong thời gian tới là mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu riêng, họ có thể dùng Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) để tự xây dựng trợ lý ảo cho mình; Xu hướng thứ 2 là người dùng AI có thể huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn để phù hợp hơn; Và thứ 3 là xu hướng tích hợp AI vào các hệ thống, sản phẩm.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI với Việt Nam, ông Kim Younghun, Giám đốc bộ phận mở rộng AI, Cục Xúc tiến CNTT Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, điều cần làm là phải thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ AI. Việc giúp mọi người hiểu và biết cách sử dụng AI sẽ giúp loại bỏ rào cản đối với công nghệ này.
Theo chuyên gia đến từ Hàn Quốc, nếu không biết cách sử dụng, AI sẽ không thay thế công việc của con người. Nếu ai đó biết sử dụng AI, đó mới chính là người thay thế những người không biết sử dụng. Do vậy, mọi người cần tăng cường sự hiểu biết và khả năng ứng dụng AI để đảm bảo được chỗ đứng của mình trong xã hội.