Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mục tiêu của bộ quy tắc nhằm xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh để bảo vệ chính người tham gia mạng xã hội, đấu tranh với cái xấu, cái ác và khuyến khích những mặt tích cực.

Sáng 18/5, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Viện chiến lược TT&TT đã tổ chức buổi toạ đàm về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc được xây dựng với trọng tâm nhằm thiết lập một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Viện chiến lược TT&TT, mạng xã hội là một trong những xu hướng truyền thông phát triển nhanh nhất trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, với dân số đông và tỷ lệ đô thị hoá cao, những năm gần đây, Internet nói chung và các mạng xã hội nói riêng đã thực sự bùng nổ.

Báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social cho thấy, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người, chiếm tỷ lệ 57% dân số. Trong đó, lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người.

Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ lần lượt là 61% và 59%.

Mạng xã hội bị lợi dụng để nói xấu lẫn nhau và kích động bạo lực

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng tồn tại những mặt trái. Ở Việt Nam, mạng xã hội phát triển với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối thông tin nhanh khiến hành vi nói xấu, bôi nhọ hay truyền bá thông tin giả mạo xuất hiện ngày một tràn lan. Rất nhiều thông tin nói xấu, bôi nhọ, phỉ báng gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội.

{keywords}
Buổi toạ đàm về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Trọng Đạt

Trên thực tế, các hành vi này vẫn tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, nhờ các tính năng thông minh của các mạng xã hội như Facebook, YouTube mà tình trạng này trở nên phổ biến hơn.

Theo khảo sát của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung dưới nhiều hình thức. Trong đó bao gồm: Nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,1%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn.

Chế tài xử phạt cũng đã có tương đối đầy đủ. Thực tế thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này, tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm. Hơn nữa, kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về vật chất, tinh thần.

Bộ Quy tắc ứng xử là khế ước chung của người dùng mạng xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: “Mục đích khi xây dựng bộ quy tắc là có một khế ước của những người sử dụng mạng xã hội, từ đó có những thoả thuận, thống nhất các nguyên tắc chung khi tham gia và tương tác trên mạng xã hội, tạo ra được một môi trường lành mạnh, văn hoá, nhân văn và đạo đức, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết đây là bộ quy tắc chung, từ đó phát triển thành các bộ quy tắc dành riêng cho từng đối tượng cụ thể. Ảnh: Trọng Đạt

“Bộ quy tắc không phải để hạn chế người sử dụng mà để phát triển và mở rộng mạng xã hội. Đây là một bộ quy tắc chung. Từ khế ước chung và quy tắc chung, tuỳ từng đối tượng, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình đặc điểm riêng của mình để xây dựng bộ quy tắc riêng cho cơ quan mình. Trên cơ sở bộ quy tắc chung đó, chúng ta khuyến khích những việc cần làm và hạn chế tối đa những việc không nên làm và không được làm”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Trên cơ sở những ý kiến thu được từ buổi toạ đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Viện chiến lược tiếp thu các ý kiến nhằm xây dựng bộ quy tắc chung dựa trên các yếu tố để ai cũng có thể hiểu được.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bộ quy tắc này khác với các văn bản pháp luật ở chỗ, nó do đạo đức xã hội điều chỉnh thay vì các chế tài. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ xem xét ban hành các thông tư để có chế tài cụ thể.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Viện chiến lược cần tiếp thu, hoàn chỉnh, tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo trước khi đưa lên lấy ý kiến rộng rãi trên mạng xã hội. Mục tiêu chung là xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh để bảo vệ chính người tham gia mạng xã hội, đấu tranh với cái xấu, cái ác và khuyến khích chân thiện mỹ.

Trọng Đạt

Bộ trưởng TT&TT: Xử nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội

Bộ trưởng TT&TT: Xử nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội

Bộ trưởng TT&TT yêu cầu Cục PTTH&TTĐT phối hợp các bộ ngành tiếp tục xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Gần một nửa người dùng Đức muốn đóng tài khoản mạng xã hội

Gần một nửa người dùng Đức muốn đóng tài khoản mạng xã hội

Theo một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi Tạp chí “Focus” của Đức cho thấy, gần một nửa người dùng ở nước này có ý định đóng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook

Từng là nạn nhân mạng xã hội, nữ sinh bày cách thoát "ném đá"

Từng là nạn nhân mạng xã hội, nữ sinh bày cách thoát "ném đá"

Từng phải vượt qua cảm xúc tồi tệ khi là nạn nhân bị “ném đá” trên mạng xã hội, Nguyễn Thu Thảo và Ngọ Thị Quỳnh Trang (Trường THPT Chuyên Bắc Giang) quyết định tìm hiểu tác động của hiện tượng này đối với học sinh THPT.

Những khó khăn khi kiếm tiền online trên mạng xã hội

Những khó khăn khi kiếm tiền online trên mạng xã hội

Việc kiếm tiền online bằng cách bán hàng qua Facebook tưởng như nhàn hạ này tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức của các bạn trẻ.