Tỷ USD đổ vào, thanh khoản cao nhất 8 tháng

Thị trường chứng khoán hôm qua (8/6) chứng kiến một phiên giao dịch biến động mạnh, tăng điểm vào buổi sáng sau đó giảm nhanh vào buổi chiều.

Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 8,22 điểm sau xuống 1.101,32 điểm sau khi tăng mạnh trong 5 phiên trước đó. Áp lực bán tăng vọt, trong khi đó sức cầu cũng rất lớn khiến thanh khoản lên mức cao nhất trong 8 tháng, đạt hơn 27.300 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu trụ cột hầu hết giảm, chỉ có Vietcombank (VCB), Hòa Phát (HPG), VietJet (VJC) còn tương đối mạnh. Cổ phiếu Vietcombank và Hòa Phát tiếp tục bứt phá và tiếp tục là tâm điểm của thị trường.

Vietcombank diễn biến tích cực sau thông tin ngân hàng này chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ hơn 18%, tăng vốn lên trên 55.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, Vietcombank sẽ bán khoảng 5% cổ phần thông qua phát hành riêng lẻ và huy động ít nhất 600 triệu USD vốn mới. 

Cổ phiếu Vietcombank đã chính thức trở lại ngưỡng 100.000 đồng/cp. Vốn hóa ngân hàng này cũng lên gần 20 tỷ USD, vững ở vị trí quán quân trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, Hòa Phát công bố thông tin tích cực trong hoạt động bán hàng và giá thép tăng nhẹ.

Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu trụ cột khác, trong đó có nhóm ngân hàng đã giảm giá. Nhóm bất động sản nhiều mã quay đầu đi xuống sau nhiều phiên tăng liên tiếp, có mã tăng 50-70% trong một vài tuần.

Thị trường chứng khoán giảm khá mạnh sau 5 phiên tăng. (Ảnh: HH)

Chỉ số giảm và thanh khoản tăng vọt khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ tới một kịch bản “phân phối đỉnh”. Một số dự báo cho rằng, thời của cổ phiếu các nhóm bank, chứng khoán, thép chưa tới. Thị trường khó lòng đi lên.

Dù vậy, dòng tiền tỷ USD đổ vào mạnh mẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi là tín hiệu này báo điều gì?

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phân tích Chứng khoán Dầu khí PSI cho rằng, thanh khoản trong phiên giao dịch 8/6 tăng do lực bán mạnh buổi chiều, nhưng cũng thể hiện các lệnh mua chờ sẵn nhiều.

Việc những người mua được giá rẻ hoặc bị “kẹp” cả năm vừa qua là điều bình thường. Nó biểu hiện sự thay máu cổ đông. Nhưng có một thực tế, thị trường có dấu hiệu tiền vào. Áp lực chốt lời có thể khiến đà tăng chững lại vài hôm để hấp thụ hết hàng.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, tin tốt là dòng tiền không rời khỏi thị trường trong những phiên gần đây. Tiền vào cổ phiếu ngân hàng được một vài phiên rồi sang chứng khoán và bất động sản.

Chưa có tín hiệu hỗ trợ mạnh từ kinh tế

Theo bà Hiền, triển vọng sản xuất kinh doanh không tươi sáng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhỏ bắt đầu vào chứng khoán kiếm lời, giống thời kỳ Covid.

Hiện tượng dòng tiền từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm khác giúp VN-Index tăng nhanh trong hơn một tuần qua. Và mặc dù giảm trong phiên 8/6, chỉ số này vẫn ở trên đường trung bình 200 ngày MA200.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, dòng tiền vào thị trường gần đây là dòng tiền nội. Khi lãi suất huy động giảm, tiền sẽ tự đi tìm cơ hội sinh lời tốt hơn. “Còn kinh tế chưa thực sự sáng sủa. Dòng tiền lớn cũng chưa vào”, ông nói.

Theo ông Anh Tuấn, tiền có thể còn lâu nữa mới vào nhóm ngân hàng, chứng, thép. Đây là 3 ngành theo chu kỳ cyclical (biến động mạnh theo xu hướng thị trường và có vốn hóa lớn). Tiền vào 3 ngành này phải là dòng tiền lớn. Điều này chưa xảy ra.

Trước đó, chuyên gia Chứng khoán BSC cũng cho rằng, thời của "bank, chứng, thép" chưa tới.

Trên thực tế, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm xuống, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân có thể đang quay trở lại chứng khoán, khi lượng tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn ngắn đáo hạn.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 104.624 đơn vị trong tháng 5. Đây là mức cao nhất 9 tháng và cao gấp gần 5 lần tháng 4.

Không chỉ số lượng tài khoản mở mới tăng lên mà khi thị trường sôi động chu kỳ mua bán cũng sẽ nhanh hơn, nhiều người thích "trading" kiếm lời hơn.

Hiện, có nhiều nhà đầu tư lo ngại, thanh khoản tăng cao có thể là dấu hiệu phân phối và nhà đầu tư có thể “mắc kẹt” tại vùng giá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, khả năng này thấp, khi mà giá cổ phiếu đã giảm rất sâu kể từ năm 2022.

Bên cạnh đó, thị trường đã bước vào một giai đoạn khác khi mà Nhà nước có những chính sách hỗ trợ lên thị trường bất động sản, trái phiếu, kéo theo tăng trưởng tín dụng. "Bóng ma" lạm phát cao trên thế giới cũng đã mờ nhạt dần.

Dù vậy, khả năng tăng mạnh cũng khó khi mà nhóm “bank chứng thép” được cho là chưa thể bứt phá do chưa có tín hiệu hỗ trợ mạnh từ nền kinh tế. Khối ngoại vẫn bán ròng trong 2 tháng qua.

Ông Phan Văn Nhân, chuyên viên môi giới của một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, tình hình chung còn xấu. Thị trường lên mạnh thời gian gần đây nên việc điều chỉnh là bình thường. 

Về thị trường tiền tệ, VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay.  Nguyên nhân do nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.