Trong giai đoạn 2016-2018, số lượng chứng thư số đang hoạt động của các CA công cộng liên tục tăng trưởng, từ 847.976 chứng thư năm 2016 lên 898.053 chứng thư vào năm 2017 và đạt 1.023.676 chứng thư tại thời điểm cuối quý II/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Năm 2018, trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 130 ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử. Nghị định này được đánh giá sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo thông tin từ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT&TT, trong năm 2018, Trung tâm này đã tiếp nhận 10 hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và 1 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép công nhận sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam. Kiểm tra hoạt động của 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng là Newtel-CA và CA2.
Từ tháng 4/2018, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam (EFY Việt Nam). EFY Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, nâng tổng số CA công cộng đang hoạt động trên thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số Việt Nam lên 9 doanh nghiệp, bên cạnh 8 CA công cộng đã được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động từ trước đó gồm VNPT-CA, Viettel-CA, BKAV-CA, FPT-CA, CA2, SmartSign, Safe-CA và Newtel-CA.
Cũng trong năm ngoái, NEAC đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo về dịch vụ chứng thực chữ ký số rộng rãi cho nhiều đối tượng: cơ quan nhà nước, CA công cộng, các đại lý cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các CA chuyên dùng và các ngân hàng thương mại; đồng thời tổ chức kiểm tra, đối soát số liệu chứng thư số của các CA công cộng.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của NEAC, trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết quý II/2018, số lượng chứng thư số đang hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng liên tục tăng trưởng, từ 847.976 chứng thư số năm 2016 lên đạt 898.053 chứng thư số vào năm 2017, tăng 6% so với năm 2016; và “cán mốc” 1.023.676 chứng thư số đang hoạt động vào thời điểm cuối quý II/2018, tăng 14% so với năm 2017.
Thống kê mới nhất của NEAC cũng cho hay, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2018, 4 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng có lượng khách hàng phát triển lớn nhất trong năm 2018 lần lượt là: Viettel-CA, SmartSign, VNPT-CA, và Newtel-CA, với tổng số lượng chứng thư số đang hoạt động của 4 doanh nghiệp này là gần 786.000 chứng thư, chiếm gần 77% tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, số lượng chứng thư số phát triển mới của 4 doanh nghiệp Viettel-CA, SmartSign, VNPT-CA, và Newtel-CA lần lượt là 39.310 chứng thư số, 32.373 chứng thư số; 29.127 chứng thư số và 26.657 chứng thư số. Cũng theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, bên cạnh sự phát triển mạnh của 4 nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số công cộng kể trên, tính đến cuối quý II/2018, số lượng chứng thư số đang hoạt động của FPT-CA tăng hơn 1.800 chứng thư so với cuối năm 2017, trong khi số lượng chứng thư số đang hoạt động của Bkav-CA, CA2 và Safe-CA cùng giảm nhẹ khoảng trên dưới 1.000 chứng thư.
Đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia chia sẻ thêm: “Số lượng chứng thư số công cộng đến nay được cấp phát và sử dụng chủ yếu trong các dịch vụ công trực tuyến như khai và nộp thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử và các dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử”.