“Coi ESG là cơ hội thúc đẩy kinh doanh thay vì nghĩa vụ, trách nhiệm”
ESG là cụm từ viết tắt: E-Environmental (Môi trường), S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị Doanh nghiệp bền vững, ông Lê Thành Liêm - Giám đốc điều hành Tài chính tại Vinamilk cho rằng, nếu doanh nghiệp xác định ESG là cơ hội thì việc chủ động thực hiện và tổ chức sẽ bài bản hơn.
Ông Liêm lấy dẫn chứng về việc Vinamilk đã tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội từ cách đây hơn 20 năm. Tại thời điểm đó, Vinamilk chỉ xác định đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ không định nghĩa theo tiêu chuẩn ESG.
“Sau đó, ban lãnh đạo nhận ra việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư hay những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp”, ông Liêm chia sẻ.
Ông John Bowen, Giám đốc Khách hàng toàn cầu, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng chỉ ra những thuận lợi, cơ hội của doanh nghiệp tiếp cận ESG, đặc biệt là khi huy động vốn: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp SCF (Supply Chain Financing) - nhà cung cấp của các doanh nghiệp MNC - được cho vay hay thế chấp với lãi suất rẻ hơn nếu họ chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng”.
Báo cáo đo lường chỉ số niềm tin Edelman cũng chỉ ra, 88% nhà đầu tư tin rằng, các công ty chú trọng đến sáng kiến ESG sẽ đem lại cơ hội lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các công ty không chú trọng ESG.
Thực hành ESG từ những điều cơ bản, cốt lõi
Chia sẻ về kinh nghiệm của một doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, đại diện Vinamilk cho biết, điểm chung của các doanh nghiệp là phải có sự cam kết, quyết tâm và chiến lược cụ thể từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc cho vấn đề thực thi ESG.
Thứ 2, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những chỉ số, chỉ tiêu cơ bản từ đó có được những bước đi cụ thể. “Từ khi tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh thì điều cơ bản là xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại mỗi nhà máy đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước”, ông Liêm dẫn chứng.
Chiến lược này cũng được thực thi trong việc xây dựng các trang trại. Từ trang trại đầu tiên đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP năm 2014 tại Nghệ An, Vinamilk đã xây dựng nên tổng cộng 13 trang trại đều đạt chuẩn quốc tế, trong đó có cả tiêu chuẩn EU Organic. Tất cả các hệ tiêu chuẩn này đều quan tâm đến khía cạnh bền vững, thân thiện môi trường.
Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật sau đó mới là tính từ thiện. “Lấy đơn cử như Vinamilk hoàn thành việc trồng 1 triệu cây xanh - đó là tầm cao hơn của việc thực hiện ESG”, ông Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, ông Liêm cho rằng doanh nghiệp có thể nhận tư vấn từ các chuyên gia, tổ chức tư vấn uy tín hoặc tham khảo các tài liệu, chương trình hướng dẫn bởi đây là một lĩnh vực tương đối mới. Để đi được nhanh và bài bản cần xây dựng lộ trình và các chương trình phù hợp.
Từ 2012, Vinamilk đã làm việc với tổ chức tư vấn để lập báo cáo phát triển bền vững (PTBV), chuẩn mực hóa báo cáo PTBV thông qua các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Hằng năm, báo cáo này được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và đầy đủ. Đây cũng là cơ sở tham chiếu cho các mục tiêu và thực hành PTBV tại công ty.
“ESG không còn là lựa chọn, mà trở thành điều các DN phải quan tâm”
Cũng theo Báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số niềm tin Edelman, Việt Nam đang ở giai đoạn rất sớm của nhận thức về tầm quan trọng của ESG so với các nước phát triển. Đại dịch Covid-19 thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang các yếu tố ESG nhiều hơn các chỉ tiêu tài chính truyền thống.
Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh cũng nhấn mạnh, “ESG không còn là trách nhiệm, mà là một yếu tố để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và là cơ hội PTBV của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp”.
Đại diện Vinamilk cho rằng, “Ở thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp chưa thực hiện ESG sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với chúng tôi cách đây 5-10 năm bởi gần đây Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến ESG, cộng đồng doanh nghiệp cũng nói nhiều hơn về ESG. Trong bối cảnh kinh doanh chung, ESG không còn là lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp”.
Tuyết Nhung