CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (dự kiến tổ chức ngày 17/5). Theo đó, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD), tăng gần 90% so với năm ngoái.

Nếu đạt được kế hoạch này, đây sẽ là mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.

Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn, ở mức 2.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với với mức thực hiện trong năm 2022.

Một mục tiêu quan trọng được đặt ra cho năm 2023 là đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy xe điện tại bang Bắc Carolina, Mỹ.

Trước đó, theo Bloomberg, VinFast được tài trợ 2,5 tỷ USD từ nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng và Vingroup trước thềm IPO.

Một dự án của Vinhomes. (Ảnh: VHM)

Vingroup định hướng sẽ phát triển mạng lưới bán hàng tại các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại Mỹ.

VinFast cũng đẩy mạnh sản xuất các mẫu xe đã mở bán trong năm 2022 để bàn giao cho khách hàng (VF5, VF8 và VF9), chuẩn bị triển khai sản xuất các mẫu xe mới sắp ra (VF6 và VF7).

Trong năm 2023, Vingroup tiếp tục tập trung 3 trụ cột công nghệ-công nghiệp, thương mại dịch vụ, thiện nguyện xã hội.

Cũng theo kế hoạch, VinES sẽ đóng vai trò là đơn vị cung cấp giải pháp năng lượng, hỗ trợ cho VinFast trong chiến lược tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào, tập trung vào việc hoàn thiện năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Lĩnh vực bất động sản nhà ở được dự báo có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách. Vinhomes - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup - sẽ tận dụng lợi thế về quỹ đất để phát triển những dự án, trong đó, Happy Home - mảng nhà ở xã hội giá rẻ của Vinhomes sẽ là một trong những trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Các dự án Happy Home cũng tích hợp mô hình nhiều tiện ích.

Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Vinhomes IZ sẽ tập trung nghiên cứu và áp dụng các mô hình bất động sản công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái, chuyên ngành quy mô lớn.

Với mảng bán lẻ, trong năm 2023, Vincom Retail (VRE) dự kiến khai trương 2 trung tâm thương mại mới.

Còn lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, Vinpearl đặt mục tiêu duy trì đà phục hồi mạnh từ kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc trở lại trong năm 2023, với tỷ trọng đóng góp lớn đến từ mảng khách sạn, ẩm thực và vui chơi giải trí bên cạnh dịch vụ sân golf.

Vingroup cũng trình đại hội phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (có thể một hoặc nhiều đợt chào bán) với lãi suất tối đa 15%/năm thông qua chào bán bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng.

Cũng theo tài liệu ĐHCĐ, Vingroup sẽ trình đại hội thông qua việc miễn nhiệm ông Yoo Ji Han khỏi vị trí thành viên HĐQT và dự kiến bầu bà Chun Chae Rhan thay thế. Bà Chun Chae Rhan là người đến từ Tập đoàn SK.

Về phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế luỹ kế tới hết năm 2022, Vingroup dự kiến trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ theo quy định tại Điều lệ tập đoàn và toàn bộ lợi nhuận luỹ kế sẽ được giữ lại để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2022 vừa qua, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 101.523 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.981 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Vingroup đạt doanh thu thuần hợp nhất 38.963 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.264 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 589 tỷ đồng, tăng 15%.