VN cần một con đường chung gắn kết tất cả người Việt yêu nước ở trong và ngoài nước. Nó truyền cảm hứng để người Việt đối mặt với những khó khăn, trỗi dậy thành một nước độc lập, tự do và hòa bình.

Trong những ngày qua, cả nước nóng lên tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ trong việc ngăn cản sự xâm lấn của Trung Quốc. Chính sự tỉnh táo mới là chìa khóa để chúng ta bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình cho đất nước và khu vực. Chúng ta phải làm điều này ngay trước mắt cũng như lâu dài.

Hành động hòa bình mới giữ được hòa bình

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tập trung đấu tranh trên mọi mặt trận, kiên quyết buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan. Cần xác định đây là việc làm đòi hỏi bản lĩnh, kiên trì và tỉnh táo, tránh tạo cớ cho Trung Quốc gây hấn. Chúng ta cần xác định chỉ có hành động hòa bình mới giữ được hòa bình. Hơn nữa, nguyên tắc đối thoại, giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao cũng là cơ sở để có được sự ủng hộ và hợp tác của các bên liên quan, đặc biệt những quốc gia có lợi ích trong việc duy trì các đường hàng hải tự do và an toàn ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam cần xác định rõ thông điệp mình muốn gửi ra cho nhân dân thế giới là gì. Những biểu ngữ như "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Đả đảo Trung Quốc Xâm Lược" hay "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" rất cần cho đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cần xác định những thông điệp tốt nhất gửi đến cho bạn bè quốc tế.

Những vấn đề pháp lý phức tạp hay những thông điệp chính trị đặc thù rất khó kết nối và truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, một thông điệp về Hòa Bình, ví dụ như "Hòa Bình cho Biển Đông" sẽ gần gũi hơn với những giá trị nhân văn toàn cầu, dễ dàng nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước.

Suy cho cùng, dù là người Trung Quốc hay người Việt Nam, tất cả chúng ta đều yêu Hòa Bình, phản đối những hành vi gây hấn phá hoại Hòa Bình. Có lẽ, các hoạt động vì Hòa Bình nên được tổ chức để gửi thông điệp mạnh mẽ cho nhân dân Trung Quốc, nhân dân ASEAN và nhân dân thế giới về mong ước sống trong hòa bình của Việt Nam.

{keywords}
Người Việt tuần hành yêu nước, phản đối TQ xâm phạm chủ quyền. Ảnh: Tá Lâm

Cần một lộ trình cải cách để phát huy nội lực

Về dài hạn, Việt Nam nên đưa ra một lộ trình cải cách giống như đổi mới năm 1986, tập trung vào mục đích xây dựng đất nước độc lập, dân chủ, tự do và hòa bình. Lộ trình này cần tập trung vào việc chấn hưng nội lực, tinh thần yêu nước, và đoàn kết với nhân dân các nước.

Việc có lộ trình cải cách cũng chính là động lực để toàn bộ nhân dân Việt Nam đoàn kết, vượt qua những khó khăn ngắn hạn trước mắt, hướng tới mục đích dài hạn lâu dài. Nó cũng là nền tảng để bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong công cuộc phát triển và bảo vệ tổ quốc.

Trước hết, Việt Nam cần khơi lên trí tuệ của nhân dân trong mọi tầng lớp, tạo ra một khí thế mới cho sự trỗi dậy của dân tộc. Để làm được việc này, Việt Nam cần khẩn trương triển khai Hiến pháp năm 2013, xây dựng các quy định pháp luật thúc đẩy và bảo vệ tự do của người dân trong hoạt động văn hóa, khoa học, và nghệ thuật, tạo môi trường để người dân thực hành dân chủ, tôn trọng sự khác biệt và quyền con người. Đây chính là nền tảng để hội tụ nguyên khí quốc gia và thu hút sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, làm nền tảng cho phát triển bền vững.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng phải hoạt động trong môi trường có cạnh tranh để tăng hiệu quả cần được đẩy mạnh. Điều chỉnh chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, và thị trường công bằng với doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cần xúc tiến việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ các nước ASEAN hoặc trong nước.

Quan trọng hơn, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán và tham gia TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU như một động lực để cải tổ lại nền kinh tế, tránh bị lệ thuộc quá mức vào nước khác.

Thứ ba, Việt Nam cần thực thi chính sách đối ngoại của mình theo hướng phát triển thực chất, lấy lợi ích quốc gia làm thước đo. Để đạt được điều này, bên cạnh việc duy trì quan hệ hòa bình với Trung Quốc, Việt Nam cần phát triển quan hệ kinh tế, xã hội và chính trị sâu rộng hơn với các nước ASEAN, châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc và Hàn Quốc. Cộng với quá trình cải cách trong nước về kinh tế, xã hội và chính trị theo hướng dân chủ và tự do, chắc chắn mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được tái cân bằng theo hướng công bằng và ổn định hơn.

Những khó khăn phía trước là to lớn và nó chỉ có thể giải quyết khi có sự đồng lòng của cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đưa ra lộ trình cải cách để tiếp tục phát triển. Một lộ trình cam kết cải tổ trong 5 năm hay 10 năm sẽ là con đường chung gắn kết tất cả người Việt trong và ngoài nước. Nó truyền cảm hứng để người Việt đối mặt với những khó khăn, trỗi dậy thành một nước độc lập, tự do và hòa bình.

Lê Quang Bình

Bài cùng tác giả: 

VN thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?

Việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển  chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ.

Yêu nước hung hăng giúp ích gì cho Biển Đông?

Hình ảnh một Việt Nam hiền hòa khác với sự hung hăng, gây hấn và bắt nạt của Trung Quốc sẽ là một giá trị giúp cho công tác ngoại giao quốc tế.

Bài liên quan: