Không giấy phép xây dựng, ngang nhiên thi công 

Theo giới thiệu, Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh (Bệnh viện An Sinh) có quy mô 500 giường bệnh và tổng mức đầu tư  2.000 tỷ đồng. Với tổng diện tích khoảng 2,5ha nằm trên đường Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội (gần khu đô thị The Manor). Bệnh viện An Sinh Hà Nội sẽ là một trong những bệnh viện tư nhân hàng đầu về quy mô xây dựng và nằm trong số ít các bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế chất lượng chuẩn 5 sao tại Việt Nam với chi phí thấp.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Tuy nhiên, sau một thời gian khởi công, dự án rơi vào cảnh đắp chiếu . Bãi đất trống được sử dụng làm bãi đỗ xe tự phát, gây bức xúc cho dư luận.

Thời gian gần đây, công trình bất ngờ thi công trở lại và tiến hành triển khai hạng mục tầng hầm. Điều đáng nói, dự án tiến hành thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, khi thi công cũng không treo tên biển dự án theo quy định.

{keywords}
Công trình Bệnh viện An Sinh Hà Nội thi công rầm rộ dù chưa có giấy phép xây dựng (Ảnh chụp ngày 26/9/2019).

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, các vi phạm tại công trình xây dựng Bệnh viện tư nhân An Sinh đã được phát hiện từ cuối tháng 7.

Cụ thể, ngày 24/7, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị có văn bản đề xuất xử lý vi phạm trật tự xây dựng do Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh làm chủ đầu tư dự án Bệnh viện tư nhân An Sinh tại phường Phú Đô.

Ngày 5/8, công ty này bị UBND quận Nam Từ Liêm phạt hành chính 40 triệu đồng. Quyết định xử phạt nêu rõ: Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh do ông Nguyễn Ngọc Long là Tổng giám đốc đã tổ chức thi công xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

“Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh phải làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc phải tháo dỡ theo quy định”, văn bản xử phạt nêu.

Đồng thời, UBND quận Nam Từ Liêm cũng giao công an quận, Đội Thanh tra Giao thông vận tải phân công lực lượng cấm các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu và nhân công vào phạm vi công trình vi phạm.

{keywords}
Bên ngoài công trình Bệnh viện An Sinh với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng không treo tên biển dự án (Ảnh chụp ngày 22/10/2019).

Đến ngày 26/9, UBND quận Nam Từ Liêm có văn bản về việc đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh. UBND quận chỉ đạo UBND phường Phú Đô phối hợp với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ có hiệu lực hoạt động xây dựng công trình tại dự án Bệnh viện tư nhân An Sinh.

Dù các cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm tại công trình Bệnh viện tư nhân An Sinh từ cuối tháng 7/2019 nhưng theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV vào ngày 26/9, “đại công trường” không phép này vẫn ngang nhiên thi công công khai sau các văn bản chỉ đạo của UBND quận Nam Từ Liêm. 

Cưỡng chế, tháo dỡ công trình sai phạm

Liên quan đến những sai phạm tại dự án này, mới đây, UBND quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh do đã có hành vi vi phạm hành chính là tổ chức thi công xây dựng công trình Bệnh viện An Sinh khi không có giấy phép xây dựng.

Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện là tháo dỡ phần công trình sai phạm. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh chi trả.

Ngoài ra, chủ dự án phải hoàn trả toàn bộ kinh phí về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế cho UBND phường Phú Đô là cơ quan thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Thời gian thực hiện, theo kế hoạch của UBND phường Phú Đô.

Quận Nam Từ Liêm cũng yêu cầu, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định cưỡng chế, chủ dự án phải có trách nhiệm thực hiện Quyết định. Nếu quá thời hạn, mà chủ dự án không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.

{keywords}
“Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?”

Một lãnh đạo phòng quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm xác nhận quận đã có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh do xây dựng công trình bệnh viện không phép.

Theo vị này, chủ đầu tư có biên bản cam kết đến cuối tháng này (tháng 10 – PV) sẽ nộp giấy phép xây dựng. Trong quá trình phường Phú Đô xây dựng kế hoạch cưỡng chế, nếu chủ đầu tư xuất trình được giấy phép xây dựng, Quận sẽ báo cáo với ngành chức năng về việc có tiếp tục tiến hành cưỡng chế khắc phục sai phạm nữa hay không.

Không cấp phép cho công trình chưa chấp hành quyết định xử phạt

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi 8 sở của TP, Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu phải đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.

Không xem xét cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch đối với công trình, dự án có vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư chưa chấp hành các quyết định xử phạt.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về những vi phạm phát sinh mới và kết quả xử lý 197 công trình còn tồn đọng. Đối với các xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm mới hoặc không xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng theo yêu cầu của UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.

 

 

Nhà dân đổ cát trước cửa hỏi thăm ngay, công trình to sai phép cứ tồn tại

Đây là ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga được nêu ra trong buổi thảo luận sửa Luật Xây dựng ngày 18/9, nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung nêu những bức xúc với các công trình xây dựng sai phạm hiện nay.

“Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?” – bà Nga nói.

Bà cũng đặt một loạt câu hỏi về trách nhiệm của những người có thẩm quyền đã tiếp tay cho sai phạm này với đại diện Bộ Xây dựng. “Phải nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương” - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt vấn đề.

Giải trình những vấn đề trên Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận các bức xúc trên hoàn toàn xác đáng.

Tuy nhiên, ông khẳng định, Nghị định 139 từ 1/1/2018 đã không cho phép việc "phạt cho tồn tại". "Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định", ông Hà nhấn mạnh.

 

Hồng Khanh

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Chính quyền càng đình chỉ, công trình càng xây cao

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Chính quyền càng đình chỉ, công trình càng xây cao

- Ngay giữa quận trung tâm thủ đô, dù có thông báo yêu cầu dừng thi công từ quận đến phường chủ công trình vẫn tiến hành xây dựng. Thậm chí khi thanh tra quận có giấy mời làm việc chủ công trình cũng không có mặt..