Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp tại Việt Nam không được đến trường. Nhằm đảm bảo việc dạy và học, nhiều trường phải chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến lên đến 1,5 triệu em.

Để giải quyết thực tế này, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã phối hợp tổ chức lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục đích hỗ trợ cho các học sinh, đặc biệt là những em ở vùng dịch có điều kiện học tập trực tuyến. 

Sẽ lắp thêm 1.500 trạm BTS để xóa vùng lõm sóng

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” kêu gọi mọi người dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ các em học sinh nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và tương lai đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã lập tức vào cuộc và triển khai các hoạt động đóng góp cho chương trình.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm ngay trong tháng 9/2021, tại tất cả các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. 

{keywords}
Viettel cho biết sẽ lắp thêm 1.500 trạm BTS nhằm xóa vùng lõm sóng di động.   

Đại diện Viettel cho biết, để làm được điều này, sẽ có 1.500 trạm phát sóng được dựng thêm, 5.000 giải pháp nhằm nâng cấp dung lượng cho mạng lưới sẽ được các kỹ sư của Viettel thực hiện.

Cùng với việc đảm bảo vùng phủ sóng và tốc độ kết nối, Viettel sẽ miễn 100% phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến Viettel Study cho toàn bộ học sinh, sinh viên cả nước. 

Tập đoàn cũng miễn phí 100% data truy cập các ứng dụng về giáo dục K12 Online, phần mềm quản lý trường học SMAS và tặng thêm 50% lưu lượng data cho các gói cước dành cho học sinh, sinh viên (từ 14-22 tuổi).

Về máy tính đảm bảo cho việc học tập, 37.000 cán bộ, công nhân viên Viettel sẽ gửi tặng 37.000 máy tính bảng đến những học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc.

Theo đại diện Viettel, những đóng góp này là tấm lòng của người Viettel với thế hệ tương lai của đất nước. Cuộc vận động "Sóng và máy tính cho em" sẽ tiếp thêm sức mạnh trên hành trình xoá khoảng cách về giáo dục.

Thêm nhiều máy tính, gói cước data miễn phí cho học sinh nghèo

Với MobiFone, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình dạy và học trực tuyến, đặc biệt là tại một số tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, MobiFone đã gấp rút lắp đặt bổ sung các trạm phát sóng, tăng công suất trạm để tăng cường vùng phủ trạm 4G. 

MobiFone cũng nhân đôi băng thông kết nối Internet cho thuê bao băng thông rộng, giữ nguyên giá gói cước. Trong tháng 9, MobiFone sẽ chủ trì hoàn thành phủ sóng 54 thôn/bản tại 5 tỉnh Cần Thơ, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên.

{keywords}
Việc xóa vùng lõm sóng viễn thông và cung cấp thiết bị cho các em hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp xóa đi khoảng cách về khả năng tiếp cận giáo dục. 

Theo đại diện MobiFone, nền tảng học trực tuyến MobiEdu của nhà mạng này đã triển khai miễn phí từ tháng 5/2021. Hiện tại, MobiEdu đã có hơn 400 trường học sử dụng và sẽ tiếp tục miễn phí đến hết học kỳ I năm học 2021-2022. Dự kiến có 500 trường học, tương ứng khoảng 500.000 học sinh, sinh viên được nhận hỗ trợ từ nhà mạng. 

Thông tin từ ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho hay, trong chương trình "Sóng và máy tính cho em", VNPT sẽ tham gia hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những đối tượng này sẽ được miễn phí 4Gb data/ngày trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, VNPT đã bắt tay ngay vào việc khảo sát, phân tích, đưa ra phương án và thực hiện cuốn chiếu tại từng điểm theo thứ tự ưu tiên. Các hạng mục công việc đang được VNPT triển khai với tiến độ khẩn trương nhất, đảm bảo hoàn thành phủ sóng các thôn/bản còn lại trong tháng 9/2021. 

Trọng Đạt

 

Thủ tướng phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Thủ tướng phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chính thức phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.