Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thuý Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lômônôxốp (cơ sở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho hay, từ hôm nay, nhà trường đã có thể dạy học trực tuyến cho toàn bộ học sinh.

Học sinh lớp 1 cần có phụ huynh hướng dẫn khi sử dụng thiết bị học tập nên trường bố trí lịch học vào buổi tối. Tuy nhiên, nhà trường cũng chỉ xếp học 3 tiết để khả năng tiếp nhận của trẻ và thời gian của phụ huynh.

“Tối nay 2/1, các học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu buổi học trực tuyến đầu tiên của đợt này với 3 tiết Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh”, bà Liên nói.

Riêng học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, thời khoá biểu học như trên lớp và bố trí vào ban ngày bởi năm ngoái các em đã được làm quen. Tuy nhiên, nhà trường rút gọn từ 35 tiết xuống còn 30 tiết/tuần, lược bỏ các tiết hướng dẫn học, thư viện, sinh hoạt lớp,... Thời lượng 1 tiết học cũng giảm từ 45 phút xuống còn 35 phút và nghỉ giải lao 10 phút giữa các tiết để tránh học sinh nhìn máy tính hoặc điện thoại quá lâu.

“Nhiều phụ huynh nói rằng, sắp đến Tết rồi, sao không cho học sinh nghỉ hẳn. Tuy nhiên, nhà trường giải thích rằng giờ không khởi động mà ra Tết nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ rất bị động và không kịp kế hoạch năm học. Việc này như là bước chạy đà, để chuẩn bị tinh thần, đặc biệt khối lớp 1, bởi các khối trên dù sao cũng đã làm quen rồi”, bà Liên nói.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, chị N.T (phụ huynh có con học lớp 1) cho hay, việc con nghỉ ở nhà lại thêm chuyện học trực tuyến khiến nhà chị đang vào cảnh “rối như canh hẹ”.

“Còn mấy ngày nữa là học sinh được nghỉ Tết rồi, không hiểu học thì được mấy hiệu quả. Tết đến phụ huynh như chúng tôi bận đi làm còn phải bố trí thời gian hoặc nhờ người trông con buổi ngày đã khốn đốn, giờ đi làm về, buổi tối còn phải xoay xở ngồi mấy tiếng đồng hồ cùng con học online nữa” - Chị T nói.

{keywords}
Giáo viên Tiếng Anh của Trường Liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool Pandora trong giờ học trực tuyến

Trong khi đó, theo bà Đặng Thanh Hằng - Giám đốc Trường Liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool Pandora, các tiết học trực tuyến của trường diễn ra khá sôi nổi. Trường sử dụng phần mềm Zoom có bản quyền, phụ huynh và học sinh được hướng dẫn tận tình về cách sử dụng phần mềm để kết nối, tương tác, trò chuyện. 

"Chính những lớp học trực tuyến này đã giúp cô trò xích lại gần nhau hơn, động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn" - bà Hằng chia sẻ.

Không còn bất ngờ với dạy - học trực tuyến

Trong khi đó, các các lớp học lớn hơn, mọi việc có vẻ khá thuận lợi. Chị Thanh Nga (Cầu Giấy) cho hay, cả 2 bé nhà chị đã trải qua ngày học trực tuyến đầu tiên suôn sẻ. Có con lớn học lớp 6, con nhỏ học lớp 3, chị Nga cho biết các cháu đã quen với việc học trực tuyến từ đợt dịch Covid lần trước. Vì vậy, vợ chồng chị yên tâm đi làm.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cho hay, sau khi nhận được thông báo cho học sinh nghỉ học của Sở GD-ĐT, trường đã ngay lập tức xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến.

Thời khóa biểu học trực tuyến được thiết kế từ ngày 1/2 và được áp dụng theo thời khóa biểu học tại trường.

Tuy nhiên, với một số môn giáo viên có thể giao nội dung kiến thức và nhiệm vụ để học sinh tự học. Ngoài ra, lược bỏ học chuyên đề, CLB và thể dục.

Ông Nhâm cho hay, trường không gặp bất cứ khó khăn gì.

“Hàng ngày, nhiều nội dung trường vẫn sử dụng hình thức dạy học trực tuyến, chứ không phải đến khi có dịch Covid-19 mới dùng. Do triển khai quen nên nhà trường không bị động”.

 

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ tối 31/1, các giáo viên của trường đã bắt tay vào việc xây dựng lịch học trực tuyến cho các lớp.

“Chúng tôi đang tổ chức các cuộc họp trực tuyến để thống nhất nội dung ôn tập trong toàn trường. Hôm nay, học sinh sẽ nhận phiếu ôn tập và thực hiện làm bài ở nhà. Lịch dạy học đang được các giáo viên chủ nhiệm họp online thống nhất với cha mẹ học sinh, bởi hình thức học này cần sự kiểm soát từ 2 phía. Trước mắt chúng tôi sẽ ôn tập kiến thức. Sau Tết, nếu học sinh vẫn chưa thể đến trường, sẽ tiến hành dạy bài mới”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, để dạy học trực tuyến, phải chuẩn bị rất nhiều việc từ phần mềm, thiết bị, tập huấn lại, điều chỉnh lại chương trình, nội dung....

Tuy nhiên, theo ông Cường, trường không bị động bởi đã hướng tới việc dạy trực tuyến ổn định.

Thanh Hùng

Sở GD-ĐT Hà Nội nói rõ việc cho học sinh nghỉ và học trực tuyến

Sở GD-ĐT Hà Nội nói rõ việc cho học sinh nghỉ và học trực tuyến

Trước thông tin học sinh Hà Nội được nghỉ từ ngày 31/1 cho đến hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh, giáo viên băn khoăn về việc có hay không tổ chức dạy và học trực tuyến.