- Các giải pháp hội nhập phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có lộ trình; nhưng không vì những thứ được coi là đặc trưng riêng của mình mà đi ngược với xu thế của thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại hội thảo diễn ra sáng 17/8.

"Không thể đứng ngoài thế giới"

Hội thảo "Giáo dục đại học Việt Nam: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế" do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên và Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cả ngày 17/8 là dịp để các bên một lần nữa thảo luận về các vấn đề thời sự của giáo dục đại học nước nhà.

Phát biểu sau phiên thảo luận buổi sáng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng: "Chúng ta đã ban hành khung hệ thống trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam hoàn toàn tương thích với quốc tế, nhưng khi luật chưa sửa thì có những điều vẫn chưa thể thực hiện được. Ví dụ, theo chuẩn quốc tế, nhiều trường đại học có thể chỉ đào tạo trong 3-3,5 năm nhưng theo luật hiện hành thì phải đào tạo 4 năm".

Theo ông Đam, giáo dục đại học không thể đứng ngoài thế giới, nên bắt buộc phải hội nhập. Các giải pháp phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có lộ trình; nhưng không vì những thứ coi là đặc trưng riêng của  mà đi ngược với xu thế của thế giới.

{keywords}
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Đại học phải có tự do học thuật". Ảnh: Nguyễn Thảo

 

Xu thế đó được "đo" bằng sự chuẩn hóa. Ban hành khung hệ thống, khung trình độ; xây dựng chuẩn kiểm định với 61 tiêu chí hay chuẩn đầu ra...cũng là những việc trong xu thế đó.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đúc kết 4 xu thế thế giới. "Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và giải trình là quan trọng nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Nói lý thuyết nhưng vẫn không muốn buông quyền của mình"

Ông Đam điểm lại lịch sử thí điểm tự chủ với 4 trường đại học từ năm 2005, cho đến năm 2014 "qua những cuộc cọ xát mạnh mẽ, chúng ta mới có được ra 4 trường rồi 6 trường và bây giờ là 23 trường", tự chủ đó mới là một phần, chưa đúng hết với nghĩa quốc tế.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng, tự chủ đại học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì mấy lẽ.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD-ĐTĐT, UBND các tỉnh và cơ quan chủ quản của các trường, về cơ bản "chúng ta nói lý thuyết nhưng vẫn không muốn buông quyền của mình".

Lý do thứ hai từ chính các trường đại học, vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp như ngày xưa.

Lý do thứ ba có một phần từ đòi hỏi của xã hội. Người học nghĩ rằng học phổ thông rất vất vả, cố thi bằng được vào đại học là "coi như xong".

Khi giải đáp được yêu cầu của xã hội, có 2 băn khoăn lớn nhất.

Thứ nhất, tự chủ đại học phải chăng các trường cứ thế thoải mái tăng học phí, làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục đại học trình độ cao, chất lượng tốt của con nhà nghèo và đối tượng chính sách? Thứ hai, một khoản tài sản đất đai, nếu giao cho các trường sợ rằng  sẽ bị thao túng, lãng phí và mất mát.

Ông Đam cho rằng hai điều trên đều có hướng giải quyết.

Nói về tự chủ tài chính, ông khẳng định phần chi ngân sách của nhà nước vẫn tiếp tục được cấp qua các đơn đặt hàng đào tạo đối với các ngành nghề xã hội cần. Còn cơ chế quản lý tài sản thì đã có hội đồng trường gắn với trách nhiệm công khai, minh bạch.

Cần hiểu đúng về tự chủ đại học

Phó Thủ tướng lưu ý,  trường đại học có sứ mệnh sáng tạo ra tri thức, chứ không phải cấp phổ thông kéo dài. Đại học phải có tự do học thuật. Đó là tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Đây là quyền tự chủ căn bản nhất. Và để có được quyền ấy, trường đại học phải tự chịu, tự quản về hoạt động, tổ chức và tài chính.

Phó Thủ tướng nói rằng "cần phải hiểu đúng ý nghĩa của tự chủ đại học và "luật hóa" trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tới đây.

"Tự chủ về tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Nguồn thu có từ học phí, hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, kết hợp tác với doanh nghiệp, thu từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng và quan trọng vẫn là ngân sách nhà nước. Khi có tự chủ về nguồn thu, các trường được tự chủ về việc chi. Hiện nay, nhiều trường đại học có tiền không phải từ nhà nước mà tiền thu từ học phí và các nguồn khác ngoài ngân sách nhưng muốn làm gì cũng đều phải xin phép. Anh em hay nói vui rằng, tiền nhà nước chưa cho, chỉ thu từ học phí và nguồn thu của trường, nhưng muốn làm công trình phụ cũng phải xin phép. Đó là nói vui, nhưng cũng là không vui là vậy" - ông Đam nói.

Clip: Những con số của giáo dục đại học Việt Nam. Nguồn: Bộ GD-ĐT

 

Kiến nghị giảm bớt trường công để tăng đầu tư cho giáo dục đại học

Trong giai đoạn 2013 - 2017, Ngân sách Nhà nước đã chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục đại học.

Bộ Tài chính nhìn nhận: Nguồn tài chính cho bậc đào tạo này còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách và từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Mức học phí thấp làm ảnh hưởng tới nguồn thu của bậc đào tạo này.

{keywords}
Chi phí đào tạo một sinh viên Mỹ gấp 30 lần sinh viên Việt Nam. Con số này của Trung Quốc gấp 5,5 lần; của Thái Lan gấp 4 lần. Nguồn: Báo cáo của Bộ GD-ĐT

PGS Thái Bá Cần (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) đã tính toán sơ bộ "chi phí đầu tư cho một sinh viên bao nhiêu là vừa", từ đó đề xuất mức thu học phí. Cho rằng, nên tính đúng, tính đủ các chi phí để xây dựng học phí phù hợp, PGS Cần tính toán suất đầu tư cho 1 sinh viên phải được tăng lên, ở mức 37,1 triệu đồng.

Khác với các trường đại học Mỹ, nguồn hỗ trợ khác của các trường đại học Việt Nam còn rất ít, vì vậy ở đây chỉ xét đến mức chi của nhà nước (ngân sách cho 1 SV năm 2013 là 14,1 triệu đồng - tương đương 35% GDP bình quân đầu người).

Ông Cần cho rằng có thể nâng mức chi ngân sách lên 50% GDP bình quân đầu người (Malaysia chi hơn 60%). Khi đó, mức học phí đề xuất sẽ vào khoảng 10,6 triệu đồng mỗi năm.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, mức thu học phí năm học 2017 - 2018 của các cơ sở công lập chưa tự chủ là 8 triệu đồng.

PGS Cần phân tích: Trong trường hợp không thể nâng số tuyệt đối mức chi ngân sách nhà nước thì vẫn có thể nâng tỷ lệ phần trăm trên GDP bình quân đầu người bằng cách giảm số lượng sinh viên công lập mà ngân sách phải chi trả.

Giảm bớt số lượng trường công cũng là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính để nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục đại học.

Cụ thể, Bộ này đã đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, các địa phương thực hiện yêu cầu “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. 

Giáo dục đại học nên "đuổi theo" giáo dục phổ thông

 Tại hội thảo, một số báo cáo đã nêu hiện tượng Việt Nam vắng bóng ở các bảng xếp hạng giáo dục đại học quốc gia như U21, QS; dù một số quốc gia ở khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia đã "góp tên". Kết thúc phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói vui: Còn nhiều điều chưa hài lòng ở giáo dục phổ thông, nhưng theo đánh giá quốc tế thì bậc học này của Việt Nam cũng có mặt ở trong tốp 50 quốc gia. Còn theo một số đánh giá có tính tổng hợp và suy luận, giáo dục đại học Việt Nam đứng khoảng 80 trên thế giới. Giáo dục đại học ở mức độ nào đó, hãy phấn đâu theo đuổi các "em" giáo dục phổ thông".

 

 

Nguyễn Thảo - Thúy Nga

"Giáo dục đại học Việt Nam có thể thuộc nhóm 80/196 của thế giới"

"VN vẫn chưa có trường đại học thuộc top 500. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 2 đại học quốc gia vào top 1.000, có thể đánh giá hệ thống đại học của Việt Nam thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới".