Con số điều kiện kinh doanh được cắt giảm đang tăng lên dù không ít khó khăn. Tự bỏ đi quyền lợi của mình là điều không phải ai cũng làm được. Bởi một điều kiện kinh doanh bị cắt giảm có thể đụng chạm đến lợi ích của không ít người nắm quyền.
Sau quyết định chưa từng có: Bộ Công thương không dừng lại
“Các quy định có một hạn chế căn bản. Nếu người ra luật đồng ý thay đổi một quy định và có chuyện không hay xảy ra, họ sẽ có thể mất việc dễ dàng. Nhưng nếu họ thay đổi quy định và có điều tốt xảy ra, họ không được ghi công. Như vậy thật bất công. Do đó, rất dễ hiểu vì sao những người ra luật thường khăng khăng không chịu thay đổi luật. Đó là vì hoặc họ sẽ bị trừng phạt nặng, hoặc họ sẽ chẳng nhận được gì cả. Một người sáng suốt sẽ hành xử thế nào trong kịch bản như thế”
Người sáng lập Tesla, SpaceX - Tỷ phú Elon Musk đã phải thốt lên những điều trên khi đụng phải những rào cản trong quá trình đầu tư kinh doanh ở chính nước Mỹ.
Tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN là yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. |
Điều đó có nghĩa, ở bất cứ quốc gia nào, thì việc kinh doanh của các doanh nhân đều sẽ vướng phải những điều kiện nhất định từ chính quyền, tùy mức độ. Và cắt giảm một quy định cũng là điều không hề dễ dàng.
Đó cũng là lý do ở Việt Nam, hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được đặt ra, rất nhiều trong số đó gây khó khăn cho DN mà trải qua hàng chục năm đấu tranh vẫn chưa thay đổi căn bản.
Không ngẫu nhiên, Chính phủ những năm gần đây đã chọn xóa bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh bất hợp lý là một yêu cầu quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Trên đã nóng, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng một “Chính phủ kiến tạo”, thì dưới bắt đầu nóng theo.
Theo báo cáo hồi tháng 8/2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hiện có tổng số 6.213 điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành đã xây dựng phương án để đơn giản, cắt giảm hơn 3.807 điều kiện kinh doanh (đạt 61,3%, vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Đến tháng 8/2018 đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện kinh doanh, mới chỉ đạt 31% so với yêu cầu và đạt 25,4% so với dự kiến.
Trong đó, Bộ Công Thương là nơi đi đầu về số lượng. Theo Tổ công tác, trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đạt 55,5%.
Như vậy, Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Đó là chưa kể, mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020.
Theo phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm: 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%).
Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.
Có nghĩa, con số cắt giảm của Bộ Công Thương đã vượt rất xa yêu cầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, nhận định: “Nếu Chính phủ không đưa ra chỉ tiêu áp đặt cắt giảm 50% số lượng điều kiện kinh doanh thì các bộ sẽ không quyết liệt và cuộc chiến giảm giấy phép con sẽ rất gian nan”.
“Chúng ta thấy Bộ Công Thương đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định 08 cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của ngành này, cắt giảm và đơn giản hóa tới 55% tổng số điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các bộ cho đến nay về cơ bản cũng đã rà soát và có phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, thậm chí các bộ còn đề xuất sửa các luật liên quan”, ông Vũ Tiến Lộc nhắc đến sự tiên phong của Bộ Công Thương.
Ông Lộc khẳng định: Như vậy, tác động của việc cắt giảm 50% là có thật. Chúng ta mong nó thấm sâu vào đời sống để thực sự thúc đẩy kinh doanh phát triển bền vững, an toàn.
Con số điều kiện kinh doanh được cắt giảm đang tăng lên dù không ít khó khăn. Tự bỏ đi quyền lợi của mình là điều không phải ai cũng làm được. Bởi một điều kiện kinh doanh bị cắt giảm có thể đụng chạm đến lợi ích của không ít người nắm quyền. Theo các chuyên gia, sẵn sàng dẹp bỏ lợi ích cục bộ sang một bên để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo cơ hội cho người dân tham gia các hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất như cách Bộ Công Thương và nhiều bộ ngành khác thực hiện là điều đáng khích lệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để việc cắt giảm đi vào thực chất, thì không thể thiếu các thước đo. Thước đo ấy là sự gia tăng về sản xuất công nghiệp, thương mại; ước lượng được số lượng chi phí hành chính giảm bớt cho doanh nghiệp; sự gia nhập thị trường của những doanh nghiệp mới… Đồng thời, phải có cơ chế ngăn chặn giấy phép con tái xuất sau cắt giảm.
Khi có các con số được “cân đo đong đếm” ấy, thì việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mới thực sự “mười phân vẹn mười”.
DN đến sở 52 lần xin giấy phép con, thời gian đâu làm việc
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý các bộ ngành đừng đặt ra giấy phép con. “Giấy phép mà không có bao lót đừng hòng người ta cho”.
P. Thảo