Theo HSX, khối các nhà đầu tư ngoại vừa có một cú mua ròng đột biến với hơn 8 triệu cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng trong phiên đầu tuần. Đây là một giao dịch bất ngờ trong bối cảnh các NĐT nước ngoài gần đây bán ra khá mạnh trên thị trường chung do lo ngại bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Cú mua ròng gần 940 tỷ đồng phiếu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều, chấm dứt chuỗi 12 phiên bán ròng của khối ngoại. Thỏa thuận khủng cổ phiếu VIC cũng giúp chỉ số chứng khoán VN-Index giữ vững mốc 980 điểm.

Thương vụ mua ròng một khối lượng lớn cổ phiếu VIC giúp nhiều NĐT kỳ vọng một dòng vốn ngoại mới sẽ đổ vào tập đoàn tư nhất lớn nhất Việt Nam và giúp ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục một loạt các tham vọng đầu tư khủng, từ ô tô, công nghệ cho tới dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không.

Trước đó, ngày 22/5 Vingroup và doanh nghiệp con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành phát hành riêng lẻ và bán tổng cộng 205,4 triệu cổ phiếu VIC cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 23 ngàn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup.

Thương vụ đầu tư 1 tỷ USD khẳng định sự tin tưởng của SK Group đối với Vingroup và là minh chứng cho tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam nói chung và các lĩnh vực kinh doanh cũng như hệ sinh thái của Vingroup nói riêng.

SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn này từng vào thị trường viễn thông Việt Nam nhưng thất bại. Việc hợp tác với Vingroup giúp 2 bên có thể tận dụng thế mạnh của mỗi bên. Không loại trừ khả năng, Vingroup có thể tấn công vào một mảng kinh doanh lớn còn thiếu này.

Trên TTCK Việt Nam, gần đây khối ngoại bán ròng do áp lực từ những diễn biến tiêu cực thế giới nhưng tổng giá trị bán ròng mỗi phiên khá thấp. Nhìn tổng thể, các NĐT nước ngoài vẫn đang đổ vốn vào các cổ phiếu Việt. 

{keywords}
Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Những thương vụ lớn có thể kể đến như vụ  SK Group chi 470 triệu USD để mua 9,5% cổ phần của Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hồi cuối 2018; 5 tỷ USD từ ThaiBev đổ vào Sabeco; Sumitomo của Nhật gần đây mua 29,7 triệu cổ phần GMD của CTCP Gemadept (tương ứng 10% cổ phần)…

Trong tháng 4 vừa qua, công ty Nhật Bản Taisho đã chi thêm gần 2,5 ngàn tỷ đồng để nâng sở hữu tại Dược Hậu Giang (DHG) lên gần 51%, chi phối doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị Nhật Bản này.

Trong mảng vật liệu xây dựng, các NĐT nước ngoài, trong đó chủ yếu là đại gia Thái Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG) nắm giữ gần 65% cổ phần doanh nghiệp nhựa lớn nhât Việt Nam: Nhựa Bình Minh (BMP). Riêng SCG nắm hơn 54%. Tỷ lệ NĐT ngoại tại Nhựa Tiền Phong (NTP) cũng rất lớn.

Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan cũng đã chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn (tổng đầu tư 5,4 tỷ USD) sau khi ký hợp đồng với PetroVietnam để mua lại 29% cổ phần nhà máy hóa dầu này.

Nhà đầu tư Nhật, Singapore, Hàn… cũng dồn dập đổ tiền vào các ông lớn hàng đầu khác của Việt Nam như ông trùm bán lẻ xăng dầu Petrolimex, ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombank, Techcombank, PVOil, Vinhomes…

Gần đây, các cổ phiếu được khối ngoại mua đều có diễn biến tích cực bất chấp áp lực bán trên TTCK. Cổ phiếu VIC của ông Vượng vẫn đang quanh đỉnh cao kỷ lục; Sabeco tăng mạnh, trong khi Vietcombank, Petrolimex cũng tăng điểm ấn tượng…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 20/8 nhiều cổ phiếu bluechips tiếp tục tăng trở lại sau những tín hiệu tích cực hơn từ chứng khoán thế giới. Chỉ số Dow Jones của Mỹ đêm qua tăng gần 300 điểm sau khi chính quyền ông Donald Trump nới lỏng lệnh trừng phạt với Huawei, trong khi Đức và Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế.

Nhiều cổ phiếu lớn tăng ấn tượng như: GAS, Novaland, Vietcombank, Thế Giới Di Động…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo SHS, trong tình hình khoảng trống thông tin hiện tại thì khó có thể đánh giá cao khả năng thị trường sẽ tăng hay giảm mạnh, mà nghiêng về xu hướng giằng co đi ngang để tích lũy và phân hóa hơn. Bên cạnh đó, các hợp đồng tương lai VN30 tuy có sự hồi phục nhưng vẫn duy trì basis âm với cơ sở trong khoảng 8-10 điểm cho thấy nhà đầu tư chưa thật sự tin vào đà tăng của thị trường.

Dự báo, trong phiên giao dịch 20/8, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang quanh ngưỡng 982 điểm (MA20) với thanh khoản thấp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8, VN-Index tăng 1,03 điểm lên 981,03 điểm; HNX-Index tăng 0,24 điểm lên 102,58 điểm và Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 57,6 điểm. Thanh khoản đạt 185 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.

V. Hà