Công ty TNHH The Sherpa thuộc Tập đoàn Masan vừa hoàn tất mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng. Đây là bước đi đầu tiên doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đang Quang mở rộng sang lĩnh vực viễn thông.

Mobicast là start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO) và sở hữu thương hiệu mạng Reddi. Các MVNO như Reddi cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Do đó, MVNO hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng. Trên thế giới, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến và chiếm thị phần khá cao như tại Anh là gần 20%.

Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group cho biết, Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa "Point of Life", từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.

Với bước đi mới, Masan có thể khai thác các nền tảng sẵn có như bán lẻ, tiêu dùng với các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long… Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Hồi giữa tháng 8, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục tấn công vào 2 lĩnh vực đầy tiềm năng và quy mô lớn của Việt Nam: thị trường thịt lợn quy mô 10 tỷ USD và thức ăn chăn nuôi sau khi thành công trên mảng nước mắm và mì gói.

{keywords}
Tin chứng khoán ngày 22/9: Thêm thương vụ 300 tỷ, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiến thêm một bước vào cuộc chơi lớn

Masan MEATLife (MML) công bố kế hoạch tái cấu trúc bằng việc tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) và cho phép công ty chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.

Trước đó, theo Bloomberg, Tập đoàn Masan muốn huy động 1 tỷ USD để đầu tư cho mảng thức ăn chăn nuôi. Trong đó bao gồm bán cổ phần cho đối tác chiến lược.

Gần đây, cổ phiếu MML và MSN ở trên đỉnh cao lịch sử. Cổ phiếu Masan liên tục tăng giá trong thời gian gần đây bất chấp thị trường có những khoảng thời gian điều chỉnh. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu MSN đã tăng gần gấp 3 lần từ mức hơn 50 nghìn đồng/cp lên quanh ngưỡng 145.000 đồng/cp. Cổ phiếu MML tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 1 năm, từ mức 40.000 đồng/cp lên 85.000 đồng/cp như hiện tại.

Masan của ông Nguyễn Đăng Quang trong vài năm gần đây dồn dập huy động vốn quốc tế và thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như bán lẻ, thực phẩm…

Hồi giữa tháng 8/2021, Masan huy động thêm 200 triệu USD từ quỹ PE Hàn Quốc . Trước đó, nhiều quỹ và tổ chức từ Hàn đã đổ tiền vào MSN như: National Pension Service (NPS), SK Group, IMM Investment Corp…

Hồi cuối 2019, Masan đã mua lại 83,7% cổ phần VinCommerce từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau đó bán lại 16,3% cổ phần tại công ty này cho SK Group với giá 410 triệu USD vào tháng 4 năm nay. Hiện SK Group đang sở hữu 29,2% cổ phần VinCommerce, đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Trong tháng 6/2021, Masan đã huy động 400 triệu USD từ nhóm cổ đông Alibaba và Baring Private Equity Asia cho  The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerc, với định giá gần 7 tỷ USD. Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Trong quý II/2021, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cũng đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 22/9

Chốt phiên sáng 22/9, chỉ số VN-Index tăng 4,46 điểm lên 1.344,3 điểm. HNX-Index tăng 2,12 điểm lên 361,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,38 điểm lên 97,15 điểm. Thanh khoản đạt 14,2 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Nhóm VN-30 phân hóa. Các cổ phiếu xăng dầu có xu hướng tăng. Cổ phiếu bán lẻ và tiêu dùng Masan tăng vọt thêm 4.100 đồng lên 100 nghìn đồng/cp. Cổ phiếu Bảo Việt tiếp tục gia tăng điểm số. Cổ phiếu này tăng 2.400 đồng lên 58.100 đồng/cp. Thế Giới Di Động tăng 2.000 đồng lên 125.800 đồng/cp. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ tăng 1.900 đồng lên 92.000 đồng/cp.

Theo VCBS, áp lực điều chỉnh giảm xuất hiện khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1.350 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. VCBS nhìn nhận rằng phiên giảm điểm hôm qua chưa phải là tín hiệu về xu hướng giảm mà chỉ là sự điều chỉnh bình thường của chỉ số chung trước ngưỡng kháng cự mạnh.

Mặt khác, thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và thông tin hỗ trợ thì mới có thể kỳ vọng bước vào một nhịp tăng mới. Theo đó, sau một vài phiên có tín hiệu dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại một số cổ phiếu vốn hóa trung bình.

Chốt phiên chiều 21/9, chỉ số VN-Index giảm 10,64 điểm xuống 1.339,84 điểm. HNX-Index trong khi đó quay đầu tăng 0,1 điểm lên 358,98 điểm. Upcom-Index giảm 0,69 điểm xuống 96,77 điểm. Thanh khoản đạt 29,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm nhẹ so với phiên liền trước.  Riêng sàn HOSE đạt hơn 23,4 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tấn công mạnh thị trường 10 tỷ USD

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tấn công mạnh thị trường 10 tỷ USD

Sau khi thành công trên mảng nước mắm, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục tấn công vào 2 lĩnh vực đầy tiềm năng và quy mô lớn của Việt Nam: thị trường thịt lợn quy mô 10 tỷ USD và thức ăn chăn nuôi.