Hàu sữa Quảng Ninh, hải sản Phú Quốc rớt giá
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn hải sản tiêu thụ chậm, trong đó hàu sữa rớt giá chưa từng có. Tại huyện Vân Đồn, vựa nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, giá hàu từ mức 20.000 đồng/kg nay rớt xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg khiến ngư dân ngao ngán, thở dài.
Trong khi đó, tôm tít, tôm mũ ni, cá mú và mực cũng đang giảm giá rất mạnh tại đảo ngọc Phú Quốc. Theo Zing, trước dịch Covid-19, tôm tít có giá 600.000-700.000 đồng/kg nay còn 280.000 đồng/kg. Còn mực “chớp” (mực oxy) có trứng trước dịch Covid-19 có giá 350.000-400.000 đồng/kg thì nay giảm còn 120.000-150.000 đồng/kg. Ghẹ loại 250.000-300.000 đồng/kg nay giảm xuống 120.000-150.000 đồng/kg. Ốc voi trước có giá 120.000-150.000 đồng nay chỉ còn 90.000 đồng/kg...
Ốc voi tại Phú Quốc giá còn 90.000 đồng/kg (Ảnh: Zing). |
Giá gà rẻ như cho, 6.000 đồng/kg vẫn ế ẩm
Các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ khó khăn. Doanh Nghiệp và Tiếp Thị thông tin, các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp lông trắng. Giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000-10.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam, thấp hơn thời điểm đầu tháng 8 khi giá gà lông trắng xuống 8.000 đồng/kg.
Trong khi giá gà tại khu vực miền Nam giảm giá mạnh thì gà công nghiệp tại miền Bắc có xu hướng tăng nhẹ. Giá gà công nghiệp lông trắng bán ở các trại tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình,... bán buôn ở cửa trại cao nhất đạt gần 20.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Giá gà ta lai nuôi nhốt trại công nghiệp bán giá 60.000 đồng/kg. Tại chợ mạng, giá gà công nghiệp ở mức 28.000-35.000 đồng/kg.
Tôm sú cọp đắt gấp đôi tôm hùm Alaska, tôm hùm bông 20 triệu/con
Ngoài tôm sú nuôi, giá từ 200.000-500.000 đồng, thị trường còn có loại tôm sú cọp mẹ đánh bắt ngoài tự nhiên có giá vô cùng đắt đỏ, đặc biệt, sú cọp mẹ size khủng có giá gần gấp đôi tôm hùm Alaska, tới 1,7 triệu đồng/kg, nhưng vẫn được giới nhà giàu Việt ồ ạt chốt đơn. Tôm sú cọp mẹ thường nặng từ 1,5-2 lạng/con (5-7 con/kg), thậm chí có con nặng tới 2,5 lạng.
Điểm nổi bật của loại tôm sú này là phần vỏ bên ngoài màu tím, lưng có kẻ ngang màu vàng nhạt, nhìn vằn vện kiểu giống màu lông hổ nên được gọi là tôm sú hổ (tôm sú cọp). Khi chín, vỏ tôm sẽ đỏ au, ăn chắc thịt và ngọt.
Tôm hùm bông được mệnh danh là vua của các loại tôm, giá vô cùng đắt đỏ (ảnh: IT) |
Một loại tôm khác được khai thác ngoài tự nhiên cũng có giá rất đắt đỏ là tôm hùm bông. Tôm hùm bông được mệnh danh là vua của các loại tôm. Tôm hùm bông tự nhiên cỡ 1-1,2 kg/con có giá 3 triệu đồng/kg khá dễ mua. Còn loại trên 4 kg/con, giá từ 4-5 triệu đồng/kg thì rất hiếm, có tiền chưa chắc mua được. Tính ra, một con tôm hùm bông loại này giá trên dưới 20 triệu đồng. Tôm hùm bông vỏ mỏng, có màu xanh ngọc, nhiều thịt, thịt ăn giòn chắc và ngọt.
Học sinh học online, máy tính lên cơn sốt
Gần đến ngày khai giảng năm học mới, rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành vội vã mua máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để cho con học online do lo sợ dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thị trường này vì thế trở nên cực kỳ sôi động.
Theo VTC News, nắm bắt được nhu cầu này, rất nhiều người bán, cửa hàng, đơn vị cung cấp đồng loạt “tấn công” các hội nhóm của khu dân cư, hội nhóm để rao bán máy tính bảng, laptop đã qua sử dụng, rất đa dạng về mẫu mã, hãng sản xuất cũng như giá thành. Nhiều siêu thị điện máy cũng đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm giá nhân dịp khai giảng năm học mới.
Đào vàng dẹt rớt giá thảm, táo đá Trung Quốc giá rẻ như rau
Đào dẹt vàng là giống của Nga nhưng được trồng nhiều ở Hà Bắc, Trung Quốc. Quả đào to khoảng 2-2,5 lạng/quả, tương đương 4-5 quả/kg. Khi mới có tại Việt Nam, đào dẹt vàng có giá bán lên đến nửa triệu đồng/kg. Khoảng 2 năm lại đây, do nhập về nhiều, giá đào giảm xuống còn 200.000 đồng/kg. Năm nay, thị trường xuất khẩu khó khăn, giá đào dẹt vàng hạ nhiệt hẳn, chỉ bằng một nửa năm ngoái, có người bán giá chỉ 89.000 đồng/kg.
Loại quả này được nhiều nhà giàu chuộng ăn vì có màu vàng lạ, lại có vị thơm, vị ngọt đậm đà. Hạt đào bé như hạt mận, ăn chín mềm rất ngon.
Đào vàng có hình dáng dẹt như chiếc bánh rán, thịt vàng |
Trong khi đó, táo đá - loại táo của Trung Quốc - ăn giòn ngọt đang đổ bộ về thị trường, được bán tràn ngập trên “chợ mạng” với giá chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg.Với mức giá rẻ như rau ngoài chợ, dòng táo này được người dân ưa chuộng, ồ ạt mua về ăn. Không chỉ mua theo cân như trước, giờ táo đá còn được mua theo thùng, với giá bán lẻ chỉ 65.000 đồng/thùng 7kg (khoảng hơn 9.000 đồng/kg), giá bán sỉ chỉ 52.000 đồng/thùng 7 kg (tức gần 7.500 đồng/kg).
Sấu chín, mướp đắng rừng đắt hàng
Nếu cuối tháng 5 đầu tháng 6, chị em háo hức đợi mua sấu non đầu mùa thì từ cuối tháng 8, nhiều người lại đặt mua sấu chín cuối vụ về ngâm mặn ngọt. Khi nhập sấu chín về, chị chia loại để bán. Sấu chín được bán với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg. Ngoài ra, sấu chín dầm mặn ngọt có giá 90.000 đồng/kg, 130.000/hộp 2 kg sấu chín ngâm đường.
Tương tự, gần đây, mướp đắng rừng (còn gọi là khổ qua rừng) trở thành mặt hàng hot trên chợ mạng, được nhiều người lùng mua với giá cao hơn giá mướp đắng thường từ 5-6 lần, với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Mướp đắng rừng được biết tới như một loại quả dùng chế biến món ăn của người vùng cao. Ngoài ra, loại quả này còn hỗ trợ điều trị các bệnh về huyết áp, tiểu đường, chữa gout, tốt cho hệ tiêu hóa.
Nhãn rẻ chưa từng có, chuối, cam khó tiêu thụ
Ở Ứng Hòa, Hà Nội, giá nhãn đã giảm xuống mức rẻ chưa từng có. Mọi năm, vào dịp thu hoạch rộ nhất, giá nhãn ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tiểu thương đặt trước rồi về tận vườn thu mua. Năm nay giãn cách chống dịch, giá giảm còn 10.000 đồng mà khách mua vẫn vắng mua. Đoàn Thanh niên Công an huyện Ứng Hòa kết hợp cùng các đầu mối tiểu thương hỗ trợ giải cứu nhãn giúp dân.
Đoàn thanh niên Công an huyện Ứng Hòa giải cứu nhãn giúp dân. |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với việc Trung Quốc ngừng mua khiến lượng lớn chuối tồn đọng, gặp khó trong tiêu thụ. Tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu có khoảng hơn 20.000 tấn chuối sắp thu hoạch nhưng chưa biết bán đi đâu.
Cùng chung cảnh ngộ, hiện hàng vạn quả bưởi Phúc Trạch, đặc sản huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã chín vàng rộ. Năm nay, do dịch bệnh kéo dài, lượng tiêu thụ thấp hơn nhiều. Người nông dân lo lắng tìm đầu ra cho quả bưởi giữa đại dịch Covid-19.
Giá cau tăng kỷ lục
Người trồng cau ở Quảng Ngãi đang phấn khởi khi giá cau lên đến 55.000 đồng/kg, cao kỷ lục so với mức giá gần 26.000 đồng/kg vào những năm trước, hứa hẹn mang lại thu nhập cao.
Nguyên nhân khiến giá cau tăng cao ở nhiều tỉnh miền Trung là do nguồn cung khan hiếm. Nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc vẫn tăng dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Ngay Hà Nội, giải cứu nhãn rẻ chưa từng có, 10 nghìn/kg không ai mua
Ở Ứng Hòa, Hà Nội, giá nhãn đã giảm xuống mức rẻ chưa từng có chỉ 10.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng khách mua.