Cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên chính thức diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6/2018. Các phát biểu chính thức của giới chức Singapore sau đó đã hé lộ những nỗ lực cùng công tác chuẩn bị công phu, chu đáo của đảo quốc sư tử nhằm tổ chức sự kiện thành công.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khách sạn Capella ngày 12/6. Ảnh: Korean Times

Tổng kinh phí

Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) ngày 24/6/2018 ra thông báo cho hay, nước này đã chi tổng cộng 16,3 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương hơn 12 triệu USD, cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất. Trong đó, phần lớn số tiền được phân bổ cho công tác bảo đảm an ninh và tính cả chi phí ăn ở cho đoàn Triều Tiên.

Theo Channel News Asia, chỉ riêng phòng khách sạn rộng hơn 300m2 dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tiêu tốn của các nhà tổ chức 10.000 SGD (gần 7.400 USD)/đêm.

{keywords}
Các phóng viên quốc tế đang tụ tập bên ngoài đường dẫn tới khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Ảnh: EPA

Báo Straits Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thông tin - Truyền thông Singapore hé lộ, kinh phí truyền thông gần 5 triệu USD, bao gồm cả tiền thuê tòa nhà F1 Pit thường dùng cho giải đua xe công thức Một diễn ra thường niên tại nước này làm trung tâm báo chí chính cho sự kiện. Ước tính đã có tới hơn 2.500 nhà báo Singapore và quốc tế tới đưa tin về hội nghị.

Công tác chuẩn bị công phu

Theo Strait Times, nước chủ nhà đã huy động tới hơn 7.400 người, gồm 5.000 công viên chức thuộc Bộ Nội Vụ, hơn 2.000 thành viên Các lực lượng vũ trang Singapore (SAF), 300 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và 80 công viên chức thuộc Bộ Ngoại giao tham gia công tác hậu cần, chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim. Trong đó, khoảng 300 người nhận nhiệm vụ cắm chốt tại Trung tâm báo chí, hỗ trợ các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đến tác nghiệp.

{keywords}
 

Nơi được chọn làm địa điểm chính thức diễn ra hội nghị là khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore. Đây là một khách sạn cao cấp 5 sao tọa lạc trong khu nghỉ dưỡng biệt lập nhưng đầy đủ tiện nghi và có tính an toàn cao.

Singapore đã cẩn trọng chọn lựa một phòng hội nghị rộng, có nhiều cửa để tổ chức cuộc gặp được mong chờ từ lâu giữa hai nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên, nhằm tránh tạo ra ấn tượng vị lãnh đạo nào đó phải chờ vào sau.

{keywords}
Ảnh: Business Insider

Chiếc bàn sử dụng cho cuộc gặp cũng rất đặc biệt. Đó là chiếc bàn gỗ teak nguyên miếng, dài 4,3 mét, thuộc bộ nội thất được các nghệ nhân địa phương thiết kế và chế tác riêng cho Tòa án tối cao Singapore vào năm 1939. Chiếc bàn gần 80 năm tuổi này đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử của đảo quốc sư tử,

Ngoài ra, các nhà tổ chức cũng kỳ công chuẩn bị thực đơn gồm 9 món ăn thịnh soạn thết đãi phái đoàn Mỹ và Triều Tiên vào bữa trưa ngày diễn ra hội nghị.

{keywords}
Tiệc trưa thịnh soạn dành cho phái đoàn Mỹ và Triều Tiên tại khách sạn Capella. Ảnh: Strait Times

Trong tiệc trưa, các vị khách sẽ được phục vụ 3 món khai vị là cocktail tôm truyền thống với salad bơ, nộm xoài xanh với sốt chanh mật ong, bạch tuộc tươi và dưa chuột muối Triều Tiên (oiseon). Ba món chính gồm sườn bò non dùng kèm bông cải xanh hấp, khoai tây nghiền và nước sốt rượu vang đỏ; thịt lợn chua ngọt với cơm chiên Dương Châu, sốt cay XO và món cá tuyết om đậu nành cùng rau củ (Daegu jorim).

Các quan khách có thể lựa chọn 3 món tráng miệng gồm bánh sôcôla đen, kem vani Haagen Daz với sốt anh đào và bánh ngọt Tropezienne kiểu Pháp.

Pang Kok Keong, đầu bếp chính kiêm chủ một nhà hàng của Singapore, nhận xét thực đơn trên dường như là sự kết hợp giữa các món đặc sản của Triều Tiên, Pháp và Trung Quốc. Theo ông Pang và một số đầu bếp khác, thực đơn nói trên "an toàn" và "mang tính ngoại giao", không gây lạ miệng cho quan khách Mỹ cũng như Triều Tiên.

An ninh siết chặt

Theo lời Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan, để tạo điều kiện tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên, họ đã xúc tiến chiến dịch đảm bảo an ninh hùng hậu nhất từng áp dụng đối với một sự kiện quốc tế diễn ra ở nước này.

{keywords}
Singapore tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều như thế nào?

Singapore đã triển khai tới 4 lớp bảo vệ quanh các khu vực được chọn làm nơi lưu trú và tổ chức hội đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên từ ngày 10 - 13/6, khi phái đoàn hai bên đã rời đi. Khoảng 2.000 thành viên thuộc SAF, từ cảnh sát, binh sĩ quân đội tới các nhân viên an ninh chống khủng bố luôn ở tình trạng ứng trực, sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp.

Nhiều biển cảnh báo an ninh được dựng lên khắp nơi. Loa phóng thanh, máy bay không người lái và pháo sáng bị cấm triệt để ở những khu vực này. Cảnh sát được phép kiểm tra tại chỗ bất kỳ ai đến gần những nơi này và yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân chi tiết.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang Mỹ thông báo trên các trang web của họ về tình trạng không phận Singapore tạm thời bị hạn chế trong thời gian 11 - 13/6. Mọi phi cơ tới sân bay Changi đều phải giảm tốc, đối mặt việc hạn chế sử dụng đường băng vì "các lí do an ninh". Các hành khách cũng được cảnh báo về nguy cơ bị hoãn chuyến bay đến và đi khỏi Singapore trong khoảng thời gian này.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, cả Mỹ và Triều Tiên đều cử các đoàn tiền trạm đến Singapore để cùng nước chủ nhà chau chuốt lại công tác hậu cần. Ông Balakrishnan nói, đội tiền trạm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tỏ ra an tâm trước các khâu chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các nhà tổ chức Singapore.

{keywords}
Ảnh:CNN

Ngày 10/6, các quan chức Singapore do Ngoại trưởng Balakrishnan dẫn đầu đã có mặt ở sân bay Changi để chào đón Chủ tịch Triều Tiên và đoàn tháp tùng tới dự hội nghị.

Vào 20h20 tối cùng ngày, ông Balakrishnan cũng chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Trump ở căn cứ không quân Paya Lebar.

{keywords}
Đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: AP

Singapore đã điều hai đoàn xe hộ tống gồm 40 chiếc đưa ông Kim và ông Trump lần lượt về nghỉ tại hai khách sạn hạng sang là St Regis và Shangri-la.

{keywords}
Ảnh: Yonhap

Từ sáng sớm ngày diễn ra hội nghị, 12/6, nước chủ nhà đã huy động khoảng 5.000 nhân viên an ninh và cảnh sát chốt chặn trên các tuyến đường chính dẫn tới và xung quanh khách sạn Capella.

Trên đường Tanglin mà đoàn xe hộ tống của cả ông Kim và ông Trump đi qua để đến được đảo Sentosa, cứ 50 mét lại có nhóm cảnh sát cắm chốt. Hai trong số bốn làn đường trên cây cầu duy nhất nối liền đảo Sentosa với lục địa Singapore cũng bị phong tỏa. Một hàng rào kín cao khoảng 2m được dựng trên cầu để các đoàn xe hộ tống không bị nhìn thấy từ hai bên đường.

{keywords}
Ảnh: Yonhap

Hàng rào kín cũng được trải dài tới khách sạn Capella, trong khi trên tuyến đường bị phong tỏa, cứ cách 2m lại có một cảnh sát đứng gác để ngăn các phóng viên cũng như dân thường đi vào. Khoảng 10 cảnh sát đã được triển khai tại một chốt kiểm soát tạm thời tại lối vào khách sạn.

Các lợi ích lớn thu về

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên nhìn chung đã diễn ra thành công, xét về khâu tổ chức. Khi được hỏi về kinh phí "khủng" cho việc đăng cai sự kiện, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, đất nước ông sẵn sàng chi trả số tiền ấy. Theo ông, cuộc gặp lịch sử Trump - Kim đã mang tới nhiều lợi ích bù đắp cho Singapore, cả về hình ảnh và vị thế quốc tế.

{keywords}
Một cặp vợ chồng trẻ người Trung Quốc đang chụp ảnh lưu niệm trong chuyến du lịch đầu tiên tới Singapore. Ảnh: Strait Times

Các chuyên gia ước tính, đảo quốc sư tử đã thu lại gấp hàng chục lần số tiền chi ra cho sự kiện, nhờ vào du lịch, bán hàng và phương tiện truyền thông.

Trong một báo cáo mới công bố, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) xác nhận, việc đăng cai sự kiện quốc tế như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất đã mang tới cho nước này lợi ích không ngờ về du lịch. Cụ thể, so với một năm trước đó, tổng số du khách đến Singapore trong năm 2018 đã tăng 6,2% lên con số 18,5 triệu người. Tổng số tiền các du khách chi dùng trong thời gian du lịch ở đảo quốc sư tử cũng tăng 1%, đạt 27,1 tỉ USD.

{keywords}
Ông Kim và ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6/2018 ở Singapore. Ảnh: CNN

Lãnh đạo STB Keith Tan nhấn mạnh, cuộc gặp lịch sử Trump - Kim đã góp phần mang lại giá trị quảng bá hình ảnh rất lớn cho đảo quốc sư tử. Đặc biệt, theo thống kê của Google, chỉ tính riêng tại Mỹ, cụm từ "Singapore ở đâu" đã được gõ tìm kiếm tới hơn 2 triệu lần chỉ trong một ngày ngay trước hội nghị thượng đỉnh nói trên.

Theo báo Strait Times, hình ảnh Singapore tràn ngập các bản tin do các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đăng tải. Công ty truyền thông Meltwater ước tính, giá trị quảng cáo, dựa vào tần suất xuất hiện của Singapore trên các phương tiện truyền thông trực tuyến toàn cầu trong suốt 3 ngày 10-12/6, lên tới 270 triệu USD. Hiệu ứng truyền thông từ tháng trước nếu tính cộng gộp có thể khiến giá trị quảng cáo nhảy vọt lên tới 767 triệu USD và có thể cao hơn nữa nếu tính cả giá trị thu về từ báo giấy, truyền hình hay mạng xã hội.

Các khách sạn Singapore cũng được nhắc đến tên nhiều lần trong hàng vạn bài báo đưa tin về sự kiện, đặc biệt là khách sạn Capella, nơi tổ chức hội đàm chính thức giữa ông Trump và ông Kim.

Tuấn Anh