Các doanh nghiệp trên thế giới hiện có thể thở phào nhẹ nhõm khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều quay lại bàn đàm phán sau quá trình bế tắc thương mại của hai nước, và sự bế tắc đó đã gây ra áp lực không nhỏ cho các nhà sản xuất, cũng như nhà nhập khẩu tới từ hai phía.

Mặc dù thỏa thuận đình chiến đã giúp 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc tránh bị Mỹ đánh thuế, nhưng các mức thuế trước đây vẫn được giữ nguyên, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy thương chiến Mỹ-Trung sẽ nhanh chóng kết thúc. Sự không chắc chắn này khiến rất nhiều doanh nghiệp khó có thể vạch ra các đường lối chiến lược cho việc tìm nguồn cung ứng năng động và hiệu quả.

{keywords}
Thương chiến Mỹ-Trung sẽ khó kết thúc nhanh chóng. Ảnh: THX

Đợt đánh mức thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng Năm đã là một đòn đánh trực tiếp vào các công ty Mỹ, vốn nhập rất nhiều mặt hàng bị đánh thuế từ Trung Quốc. Còn về phía các nhà sản xuất của Trung Quốc, khi họ xuất hàng hóa sang Mỹ thì họ thường là người phải chịu mức thuế DDP, tức là bên bán hàng phải thanh toán mọi cước phí vận chuyển và gánh chịu tất cả rủi ro cho đến khi hàng hóa được giao cho bên mua, cũng như phải nộp tất cả các mức thuế (nếu có) trước khi hàng được giao cho bên mua, chẳng hạn thuế nhập khẩu. Bởi vậy, vấn đề thuế hiện nay đã trở thành sự rủi ro cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Chính trong bối cảnh trên, hiện nay đang có một vấn đề được đặt ra: Tranh chấp thương mại hiện có ý nghĩa gì đối với chuỗi cung ứng, và trong thời gian tới sẽ có những chiến lược tìm nguồn cung ứng thay thế, hay sẽ có một cuộc ‘di cư’ của các nhà sản xuất nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc?

Dù hiện nay tình hình không chắc chắn, các công ty ở khắp nơi trên thế giới đều cần tới các nhà cung ứng tới từ Trung Quốc. Bởi hiện không có một nước nào hay một nhóm các quốc gia có sức sản xuất sánh ngang với Trung Quốc cả về quy mô lẫn quá trình sản xuất đã kéo dài hàng chục năm nay.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới về khả năng sản xuất, Trung Quốc năm 2017 đã sản xuất được lượng hàng hóa có giá trị gần 3.560 tỷ USD, vượt qua Mỹ (2.170 tỷ USD) và tất cả những nước được coi là nơi sản xuất thay thế hàng hóa Trung Quốc như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia.

{keywords}
Trung Quốc đã sản xuất lượng hàng hóa trị giá gần 3.560 tỷ USD trong năm 2017. Ảnh: Worldbank

Theo cuộc khảo sát gần đây của AmCham China và AmCham Shanghai, mặc dù cuộc thương chiến Mỹ-Trung leo thang, nhưng có tới 60% công ty của Mỹ không xem xét việc chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia khác. Còn 40% doanh nghiệp còn lại thì việc tìm kiếm nơi sản xuất thay thế đang gặp nhiều khó khăn.

Việc thương chiến tiếp diễn sẽ khiến các doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược tìm nguồn cung ứng lớn hơn. Chẳng hạn như để doanh nghiệp tự đánh giá nguồn cung ứng của riêng mình. Điều này có thể bao gồm một cái nhìn toàn diện về chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn cầu, cho đến việc phân tích chiến lược về tác động của những thay đổi thuế quan trong thời gian gần đây.

Đối với các công ty có cơ sở sản xuất và bán nhiều hàng hóa đa dạng, thì họ có thể cân bằng lại chuỗi cung ứng nội bộ để giảm lưu lượng hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ. Đối với các doanh nghiệp khác, một sự phân tích cẩn thận hàng hóa của công ty cùng với Biểu thuế quan hài hòa của Mỹ (US HTS) có thể giúp doanh nghiệp phát hiện ra cơ hội để phân loại lại hàng hóa thành các loại hàng phi thuế quan.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc SCMP, thường thì việc tìm nguồn cung ứng tốt đòi hỏi sự điều hướng của các thị trường và nền văn hóa đa dạng. Sự không chắc chắn về thương mại gần đây đã thêm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp, và các doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa hơn và đưa ra chiến lược năng động hơn để có thể đạt được thành công.

Tuấn Trần