Bằng một câu đơn giản trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ không bao giờ thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

"Sẽ không có chuyện như vậy", ông Trump quả quyết sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng quốc gia này tiến gần tới việc thử nghiệm một ICBM thuộc loại có thể bắn tới Mỹ.

{keywords}

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) cười tươi khi hướng dẫn bắn thử một hệ thống phóng rocket mới. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Trên thực tế, ngăn chặn một cuộc thử nghiệm như vậy thì nói dễ hơn làm. Và Trump cũng không hề tỏ dấu hiệu về cách thức ông có thể kiềm tỏa các chương trình vũ khí của Triều Tiên sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Điều đó các chính quyền tiền nhiệm, cả của phe Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều đã không làm được.

Reuters dẫn lời một số cựu quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng, Washington chỉ có 2 lựa chọn để cản bước Bình Nhưỡng mở rộng các chương trình hạt nhân và tên lửa: đàm phán hoặc dùng hành động quân sự. Nhưng cả hai lựa chọn này đều không chắc thành công, chưa kể hành động quân sự sẽ kéo theo những hệ lụy rất xấu, đặc biệt cho Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh thân thiết của Mỹ.

Tổng thống đắc cử Mỹ than phiền trong một thông điệp khác trên Twitter rằng, Trung Quốc không hề góp sức với Mỹ trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, dù vẫn ủng hộ các đợt cấm vận liên tiếp của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.

Theo giới chuyên gia, lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Bắc Kinh về nhiều vấn đề... có thể có tác dụng ngược trong việc thuyết phục Trung Quốc hợp tác nhiều hơn.

Theo James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế, với bình luận mới về Triều Tiên, Donald Trump đã tự vạch ra một lằn ranh đỏ, mà sau này nó sẽ khiến chính ông bị phán định. Điều này cũng tương tự chuyện Obama cảnh báo Syria hồi năm 2012 về việc sử dụng vũ khí hóa học.

"Đây là một thông điệp điên rồ mà Trump đưa ra, vì những thách thức của việc kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên là rất lớn. Tôi nghĩ điều này sẽ quay trở lại ám quẻ ông ấy", hãng tin Reuters dẫn lời ông Acton.

Các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, nếu được lệnh thì quân đội nước này có 3 phương án để đáp trả một vụ thử tên lửa của Triều Tiên: tấn công phủ đầu trước khi tên lửa rời bệ phóng; đánh chặn tên lửa đang bay; hoặc để mặc vụ phóng diễn ra.

Một quan chức không tiết lộ danh tính nhấn mạnh, có rất nhiều rủi ro nếu tấn công phủ đầu Triều Tiên, chẳng hạn như nguy cơ nhắm sai mục tiêu, hoặc Bình Nhưỡng sẽ trả đũa các đồng minh của Washington trong khu vực.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về kiểm soát vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California, đặt câu hỏi liệu hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ có thể bắn hạ tên lửa thử nghiệm hay không. Ông nói thêm rằng, phá hủy chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ là một quyết định đầy rủi ro và cần đến "một chiến dịch quân sự lớn... trong một khoảng thời gian tương đối dài".

Xem thêm: Tin thế giới

Thanh Hảo