Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Ngay sau ngày bỏ phiếu toàn quốc 3/11/2020, Tổng thống Trump và đội ngũ pháp lý của ông đã đặt hy vọng vào hàng chục vụ kiện bầu cử ở các bang trên khắp cả nước. Mặc dù nhiều tòa án đã bác bỏ các cáo buộc gian lận, nhưng nhiều người ủng hộ ông Trump đã bị cuốn theo các lập luận của hai luật sư có quan hệ thân thiết với tổng thống là Sidney Powell và L Lin Wood.

{keywords}
Tổng thống Trump kiên quyết không nhận thua, viện dẫn lí do tổng tuyển cử Mỹ 2020 có gian lận tràn lan dù không đưa ra bằng chứng. Ảnh: Reuters

Bà Powell và ông Wood hứa hẹn đang chuẩn bị các vụ kiện gian lận bầu cử toàn diện đến mức khi công khai, họ sẽ khiến ông Biden không còn căn cứ để được tuyên bố thắng cử.

Bà Powell, 65 tuổi, một nhà hoạt động bảo thủ và cựu công tố viên liên bang, nói với hãng tin Fox rằng, nỗ lực này sẽ "giải phóng Kraken", ám chỉ một con quái vật biển khổng lồ trồi lên từ đại dương để nuốt chửng kẻ thù của nó trong văn hóa dân gian Scandinavia.

"Kraken" nhanh chóng trở thành một trào lưu trên internet, đại diện cho những tuyên bố không chứng cứ về gian lận bầu cử tràn lan.

Hai luật sư Powell và Wood đã trở thành anh hùng đối với những người theo thuyết âm mưu của nhóm QAnon, những người tin rằng Tổng thống Trump và một đội tình báo quân sự bí mật đang chiến đấu chống lại lực lượng quy tụ những kẻ ấu dâm tôn thờ quỷ Satan trong đảng Dân chủ, truyền thông, các doanh nghiệp và Hollywood. Họ trở thành cầu nối giữa tổng thống và những người ủng hộ thuyết âm mưu.

Bộ đôi Powell và Wood đã thành công trong việc thúc giục những tiếng nói đồng tình và cơn thịnh nộ trực tuyến, nhưng các nỗ lực pháp lý của họ không mang lại kết quả. Khi hai luật sư công bố gần 200 trang tài liệu vào cuối tháng 11, mọi việc trở nên sáng tỏ rằng vụ kiện của họ chủ yếu bao gồm các thuyết âm mưu và những cáo buộc đã bị hàng chục tòa án bác bỏ.

Tập hồ sơ còn chứa các lỗi pháp lý đơn giản cùng các lỗi chính tả, lỗi đánh máy cơ bản. Song, trào lưu vẫn tồn tại. Các thuật ngữ "Kraken" và "giải phóng Kraken" đã được sử dụng hơn một triệu lần trên Twitter trước cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol.

Khi hàng loạt tòa án bác bỏ các vụ kiện pháp lý của ông Trump, những nhà hoạt động cực hữu đã chuyển hướng mũi nhọn tấn công sang các nhân viên và quan chức bầu cử.

Những lời đe dọa lấy mạng được gửi đến một nhân viên bầu cử và các quan chức Cộng hòa ở Georgia, kể cả Thống đốc Brian Kemp, quan chức phụ trách bầu cử Brad Raffensperger và Gabriel Sterling, một quan chức quản lý các hệ thống bỏ phiếu của bang. Họ đều bị gán mác trên mạng là "những kẻ phản bội".

Ông Sterling đã gửi một khuyến cáo tới tổng thống trong cuộc họp báo ngày 1/12. "Ai đó sẽ bị thương, ai đó sẽ bị bắn, ai đó sẽ bị giết và điều đó là không đúng", ông Sterling nói.

Ở Michigan vào đầu tháng 12, quan chức phụ trách bầu cử Jocelyn Benson, một chính khách Dân chủ, vừa hoàn thành việc cắt tỉa cây thông Noel cùng cậu con trai 4 tuổi thì cô nghe thấy tiếng động bên ngoài nhà riêng ở Detroit. Khoảng 30 người biểu tình mang theo biểu ngữ đứng bên ngoài nhà hét vang "Hãy ngăn chặn hành vi trộm cắp!" qua loa phóng thanh.

"Benson, bà là kẻ xấu" một người biểu tình la lớn. "Bà là mối đe dọa đối với nền dân chủ", một người khác tiếp lời. Một người biểu tình đã cho phát trực tiếp vụ việc trên trang Facebook cá nhân, đồng thời nhấn mạnh nhóm của mình "sẽ không đi đâu hết".

Đó chỉ là một trong những cuộc biểu tình rầm rộ nhắm vào những người liên quan đến cuộc bỏ phiếu. Tại Georgia, một đám đông người người ủng hộ ông Trump không ngừng lái xe qua nhà ông Raffensperger, bấm còi inh ỏi. Vợ quan chức này cũng nhận được những lời đe dọa tấn công tình dục.

Tại Arizona, những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà của quan chức phụ trách bầu cử Katie Hobbs, thành viên đảng Dân chủ và đe dọa theo dõi bà.

Nỗ lực pháp lý thất bại

Ngày 11/12, Tòa án Tối cao đã bác bỏ vụ kiện của bang Texas nhằm vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu của một số bang chiến địa. Khi cánh cửa cho cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược bầu cử của tổng thống và các đồng minh ngày càng thu hẹp, phát biểu của các nhóm trực tuyến ủng hộ ông Trump ngày càng trở nên bạo lực.

{keywords}
Những người ủng hộ ông Trump tiến hành biểu tình ở Washington để phản đối kết quả tổng tuyển cử 2020. Ảnh: NPR 

Ngày 12/12, cuộc tuần hành Stop the Steal thứ 2 được tổ chức tại thủ đô Washington. Một lần nữa, hàng nghìn người đã tham dự và một lần nữa các nhà hoạt động cực hữu nổi bật, những người ủng hộ QAnon, các nhóm MAGA và các phong trào vũ trang cũng có mặt ở đó.

{keywords}
Trong đám đông biểu tình có nhiều thành viên thuộc nhóm cực hữu Proud Boys. Ảnh: NPR

Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Trump đã ví những người biểu tình như "các binh lính và linh mục trong Kinh thánh đang phá các bức tường thành Jericho". Phát biểu lặp lại lời kêu gọi "các cuộc tuần hành Jericho" của những nhà tổ chức biểu tình nhằm lật ngược tình thế sau bầu cử.

Nick Fuentes, thủ lĩnh của Groypers, một phong trào cực hữu nhắm tấn công các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa (GOP) và những nhân vật mà họ cho là quá ôn hòa, đã nói với đám đông rằng họ "sẽ tiêu diệt GOP".

Cuộc tuần hành một lần nữa biến thành bạo lực. Sau đó 2 ngày, hôm 14/12, Cử tri đoàn toàn quốc bỏ phiếu công nhận chiến thắng của ông Biden, một trong những bước cần thiết cuối cùng dọn đường cho chính khách Dân chủ này nhậm chức.

Trên các nền tảng trực tuyến, những người ủng hộ ông Trump hiểu rằng tất cả các con đường pháp lý đều đi vào ngõ cụt và chỉ có hành động trực tiếp mới có thể cứu được nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Kể từ ngày bầu cử, ngoài ông Flynn, bà Powell và ông Wood, một nhân vật mới đã nhanh chóng trở nên nổi bật trong giới ủng hộ Tổng thống Trump trên mạng.

Ron Watkins là con trai của Jim Watkins, người đứng sau 8chan và 8kun, những bảng tin chứa đầy ngôn ngữ và quan điểm quá khích, bạo lực và nội dung tình dục cực đoan. Chúng đã góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của phong trào QAnon.

Trong một loạt các thông điệp Twitter lan truyền vào ngày 17/12, Ron Watkins đề nghị Tổng thống Trump noi gương nhà lãnh đạo La Mã Julius Caesar, tận dụng "lòng trung thành mãnh liệt của quân đội" để "khôi phục nền Cộng hòa".

Ron Watkins khuyến khích hơn 500.000 người theo dõi anh ta biến #CrossTheRubicon trở thành một xu hướng trên Twitter, ám chỉ đến thời điểm Caesar phát động một cuộc nội chiến bằng cách vượt sông Rubicon vào năm 49 trước Công nguyên. Nhãn dán trên cũng được các chính khách sử dụng, bao gồm cả Kelli Ward, nữ chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Arizona.

Kế hoạch biểu tình

Tổng thống Trump đã gặp bà Powell, ông Flynn và những người khác tại một cuộc họp chiến lược tại Nhà Trắng vào ngày 18/12. Trong cuộc họp, theo báo New York Times, ông Flynn đã hối thúc ông Trump áp đặt thiết quân luật và triển khai quân đội để buộc bầu cử lại.

Sự kiện tiếp tụ thổi bùng những bàn tán trên mạng về "chiến tranh" và "cách mạng" trong giới cực hữu. Nhiều người coi phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1, vốn thường mang tính thủ tục như cơ hội đảo ngược tình thế lần cuối.

Những người ủng hộ QAnon và MAGA bắt đầu ấp ủ một câu chuyện với kết cục khác. Họ hy vọng Phó Tổng thống Mike Pence, người chịu trách nhiệm chủ trì phiên họp ngày 6/1 sẽ vô hiệu hóa các phiếu đại cử tri. Họ cho rằng, tổng thống sau đó sẽ triển khai quân đội để dập tắt bất kỳ tình trạng bất ổn nào, ra lệnh bắt giữ hàng loạt người giật dây gian lận bầu cử và tống giam họ vào nhà tù quân sự Vịnh Guantanamo.

Dù không có ý tưởng nào trong số này dường như khả thi, nhưng chúng đã khởi xướng phong trào "những đoàn lữ hành yêu nước", trong đó những người ủng hộ ông Trump tổ chức đi chung xe, đưa hàng nghìn cá nhân từ khắp nơi trên đất nước đến thủ đô vào "ngày phán quyết".

Những đoàn xe dài treo cờ Trump và đôi khi kéo theo những toa rơ-mooc được trang trí cầu kỳ đã tập trung tại các bãi đỗ xe ở nhiều thành phố, kể cả Louisville, bang Kentucky; Atlanta, bang Georgia và Scranton, bang Pennsylvania.

Bạo loạn

Khi rõ ràng rằng Phó Tổng thống Pence và các chính khách chủ chốt khác thuộc đảng Cộng hòa sẽ tuân theo luật pháp và cho phép Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Biden, những phát biểu nhằm vào họ ngày càng trở nên ác ý.

"Ông Pence sẽ phải ngồi trong trại giam chờ bị xét xử vì tội phản quốc. Ông ta sẽ phải đối mặt với việc bị hành quyết bằng cách xử bắn", luật sư Wood viết trên Twitter.

Các cuộc thảo luận trên mạng đã lên tới đỉnh điểm. Nhiều ý kiến đề cập đến vũ khí, chiến tranh và bạo lực tràn lan trên các nền tảng xã hội tự phong là "tự do ngôn luận" như Gab và Parler cũng như trên những trang web khác.

Trong các nhóm Proud Boys, nơi thành viên từng ủng hộ cảnh sát, một số đã quay lưng lại với chính quyền. Hàng trăm bài đăng trên TheDonald, một trang web nổi tiếng ủng hộ ông Trump đã công khai bàn về các kế hoạch vượt trở ngại, mang theo súng và các loại vũ khí khác để tuần hành bất chấp luật kiểm soát súng ống nghiêm ngặt của Washington. Cũng có một cuộc thảo luận mở về việc tràn vào Điện Capitol và bắt giữ các nghị sĩ Quốc hội "phản quốc".

Ngày 6/1, ông Trump phát biểu trước đám đông hàng nghìn người biểu tình ở công viên Ellipse, phía nam Nhà Trắng trong hơn 1 giờ đồng hồ. Ban đầu, tổng thống sắp mãn nhiệm khuyến khích những người ủng hộ "làm cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước", nhưng ông kết thúc bằng khuyến cáo: "Chúng ta chiến đấu giống như chống địa ngục và nếu bạn không làm điều đó, các bạn sẽ không còn đất nước nữa. Vì vậy, chúng ta sẽ đi tới Đại lộ Pennsylvania ... và chúng ta sẽ đến Đồi Capitol".

{keywords}
Những biểu tình quá khích chuẩn bị tràn vào trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol ở Washington ngày 6/1 để phản đối các nhà lập pháp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020. Ảnh: Los Angeles Times

Đối với một số nhà quan sát, khả năng bạo lực xảy ra vào ngày hôm đó đã rõ ràng ngay từ đầu. Michael Chertoff, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa dưới thời Tổng thống George W Bush đổ lỗi cho Cảnh sát Đồi Capitol vì từ chối đề nghị hỗ trợ từ trước của Vệ binh quốc gia. Ông mô tả đây là "thất bại tồi tệ nhất của lực lượng cảnh sát".

Các dấu hiệu cảnh báo bạo loạn đã xuất hiện suốt nhiều tuần trước đó. Ví dụ, một loạt các nhóm cực đoan tin theo thuyết âm mưu rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Trên mạng, họ liên tục nói về việc tự trang bị vũ khí và bạo lực. Song, có lẽ các nhà chức trách không nghĩ những bài viết của họ là nghiêm trọng hoặc đủ rõ ràng để điều tra.

Dư âm

Đối với lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden vào ngày 20/1, ông Chertoff kỳ vọng sự "thể hiện mạnh mẽ hơn nhiều" của các lực lượn an ninh so với tối 6/1.

Tuy nhiên, những gì đã xảy ra không ngăn cản việc trên các trang mạng cực đoan tiếp tục xuất hiện những lời kêu gọi bạo lực và phá hoại thêm nữa vào ngày 20/1. Hiện cũng có những câu hỏi đặt ra đối với các nền tảng mạng xã hội lớn, vốn đã cho phép các thuyết âm mưu tiếp cận hàng triệu người.

Cuối ngày 8/1, Twitter đã đình chỉ các tài khoản của cựu cố vấn Flynn, hai luật sư Powell và Wood, ông Watkins cũng như của chính Tổng thống Trump. Trong khí, nhà chức trách Mỹ tiếp tục bắt giữ những người tham gia vụ đột kích trụ sở Quốc hội.

Song, hầu hết các cá nhân tham gia cuộc bạo loạn hôm 6/1 vẫn đắm chìm trong thế giới đối lập với thực tế. Họ đưa ra những lời giải thích hão huyền nhằm phủ nhận tuyên bố của chính ông Trump trong một thông điệp video đăng trên Twitter một ngày sau sự cố, trong đó lần đầu tiên vị tổng thống Cộng hòa này thừa nhận "một chính quyền mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1".

Họ lập luận rằng, ông Trump không thể từ bỏ. Trong số các giả thuyết mới của họ thậm chí có quan điểm cho rằng, trong video là "Trump giả" do máy tính tạo ra hoặc tổng thống có thể đang bị bắt làm con tin.

Nhiều người vẫn tin ông Trump sẽ thắng thế. Hiện không có bằng chứng cho bất kỳ mong muốn nào như vậy có thể thành hiện thực, nhưng chúng phản ánh một điều. Bất kể chuyện gì xảy ra với ông Trump, những kẻ bạo loạn đã đột kích Đồi Capitol sẽ không sớm lùi bước.

Toàn cảnh cuộc khủng hoảng trên Đồi Capitol ở Mỹ

Tuấn Anh (Theo BBC)

Nhìn lại 65 ngày dẫn đến vụ bạo loạn rúng động nước Mỹ

Nhìn lại 65 ngày dẫn đến vụ bạo loạn rúng động nước Mỹ

Nhiều người sốc nặng trước các sự kiện diễn ra ở Washington vào ngày 6/1. Đối với những người theo dõi sát các nhóm cực hữu và âm mưu trên mạng, những dấu hiệu cảnh báo bạo loạn đã tồn tại rất lâu trước đó.

Đòn giáng bất ngờ với nước Mỹ

Đòn giáng bất ngờ với nước Mỹ

Dư luận thế giới sốc nặng khi chứng kiến những người biểu tình ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ, gây ra tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng ở Washington.