Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad tới để phản đối việc Giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei bị bắt giữ "vô lý" ở Canada theo yêu cầu của Washington.

Những lời đau đớn của nhà báo Khashoggi trước khi chết

Ukraina có thể tự phát triển vũ khí hạt nhân?

Theo báo South China Morning Post, động thái diễn ra hôm 9/12, tức là một ngày sau khi nhà chức trách Trung Quốc triệu tập đại sứ Canada tại Bắc Kinh để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" cũng như đòi Canada phải thả bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei.

{keywords}
Bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei đã bị bắt giữ ở Canada hôm 1/12.

Bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bị bắt giữ tại sân bay Vancouver, Canada hôm 1/12. Nữ doanh nhân này đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà vi phạm các lệnh cấm vận chống Iran của Washington. Nếu phải hầu tòa ở Mỹ và bị kết tội, bà có thể phải nhận mức án lên tới 30 năm tù giam.

Phiên xử bảo lãnh bà Mạnh tại Canada đã kết thúc hôm 7/12 mà chưa đưa ra bất kỳ phán quyết nào. Tòa dự kiến sẽ tiếp tục làm việc trong ngày hôm nay, 10/12. Trong khi đó, phía Trung Quốc khăng khăng bà Mạnh không vi phạm bất kỳ luật nào.

Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tuyên bố trước Đại sứ Mỹ Branstad rằng, các hành động của Mỹ "đang vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc". Bắc Kinh yêu cầu Washington phải tôn trọng quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, "ngay lập tức có các hành động sửa chữa sai lầm và rút lại các lệnh bắt giữ nhằm vào công dân Trung Quốc".

"Trung Quốc sẽ có hành động tiếp theo tùy thuộc vào các hành vi của Mỹ", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo.

Tuyên bố nói trên tái nhắc lại các khuyến cáo một ngày trước đó của ông Lạc Ngọc Thành đối với Đại sứ Canada John McCallum. Theo quan chức này, việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu ở Vancouver "làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ song phương". Bắc Kinh cũng yêu cầu Chính phủ Canada phải trả tự do cho bà Mạnh nếu không muốn lĩnh "các hậu quả khủng khiếp".

Tuy nhiên, Roland Paris, một cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định, việc Bắc Kinh gây áp lực với Ottawa về vụ giám đốc Huawei là "vô ích". Lí do vì, tất cả phụ thuộc vào phán xử của các tòa án, vốn vận hành độc lập và không chịu sự tác động của Chính phủ Canada.

Trong khi đó, John Gibb-Carsley, luật sư đại diện cho Chính phủ Canada tuyên bố trước tòa án ở Vancouver rằng, phía Mỹ có trong tay bằng chứng buộc tội Giám đốc Tài chính Huawei lừa đảo, bao gồm cả tội lừa gạt nhiều tổ chức tài chính trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2014, vi phạm các lệnh cấm vận Iran của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Vụ bắt giữ bà Mạnh được tin đang trầm trọng hóa quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc hai nước đang "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để tìm cách dàn xếp bất đồng.

Tuấn Anh

Vụ bắt giám đốc Huawei: TQ cảnh báo Canada chịu nhiều hậu quả

Vì sao Huawei mãi là cơn ác mộng của Mỹ và phương Tây?

Tiết lộ về Phó Chủ tịch, con gái nhà sáng lập Huawei vừa bị bắt tại Canada