Các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục nỗ lực duy trì đà xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Cam kết củng cố đoàn kết và thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ, đóng góp vào hoà bình, an ninh, ổn định của khu vực.

Củng cố liên kết kinh tế, kết nối khu vực, nâng cao bản sắc ASEAN và hiệu quả bộ máy, tổ chức của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường và năng lực thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và toàn cầu. 

Về chính trị - an ninh, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định cũng như thúc đẩy các giá trị hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

{keywords}
ASEAN cam kết mạnh mẽ tăng cường các nỗ lực tập thể nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, giải quyết các mối đe dọa từ Covid-19. Ảnh: THX/TTXVN

Đề cao tầm quan trọng của duy trì một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ và bao trùm với ASEAN đóng vai trò trung tâm. 

Tiếp tục tập trung nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa…

Về kinh tế, mặc dù khẳng định lo ngại về một cuộc suy thoái chưa từng có trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, ASEAN vẫn duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và cam kết hợp tác giảm thiểu các tác động kinh tế từ Covid-19, giữ thị trường rộng mở và tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi và cạnh tranh chung của khu vực, hướng tới sự phục hồi nhanh chóng trong năm 2021.

Đánh giá cao ASEAN đã đạt kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện 13 Mục tiêu kinh tế ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo 3 định hướng thúc đẩy chiến lược.

ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về số hóa ASEAN, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối, duy trì chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, phát triển tiểu vùng, phát triển kinh tế bao trùm, bền vững và đặc biệt đã thành công trong việc thúc đẩy ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Về văn hóa - xã hội, các nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là đề cao các nỗ lực khắc phục hậu quả của Covid-19, thúc đẩy phục hồi, trong đó ưu tiên các nhóm yếu thế như hỗ trợ người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, lao động di cư và vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh đại dịch. 

Nỗ lực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đàm phán COC

Về quan hệ đối ngoại, lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh các đối tác tiếp tục khẳng định tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đưa ra nhiều cam kết cụ thể hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng.

Ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch, trong đó có cam kết đóng góp tài chính cụ thể cho Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19, dự kiến đóng góp cho Kho dự dữ vật tư y tế khu vực, Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi và triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

ASEAN ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các tổ chức khu vực và các nước bên ngoài khu vực đối với việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn với ASEAN, bao gồm thông qua các đề nghị thiết lập các mối quan hệ đối tác chính thức với ASEAN và tiếp tục xem xét về tiêu chí và cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong triển khai quan hệ đối ngoại.

ASEAN chính thức công nhận Pháp và Ý là Đối tác phát triển của ASEAN, ghi nhận trường hợp của Anh, đồng thời thông qua các Kế hoạch Hành động tiếp theo cho 5 năm tới (2021-2025) với một số Đối tác. Trước đó, ASEAN cũng nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) cho Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số thành viên lên con số 43.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong bối cảnh môi trường chiến lược biến động phức tạp, khẳng định ASEAN tiếp tục thể hiện sự chủ động, vai trò trung tâm, khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với khu vực, bày tỏ quan ngại với các diễn biến, bao gồm tôn tạo, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, phương hại hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.

Nhấn mạnh cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các nỗ lực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc và nỗ lực đàm phán COC ngay trong bối cảnh Covid-19; nhấn mạnh cần tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa cũng như tầm quan trọng của hợp tác thực tiễn cùng có lợi.

Nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở duy nhất để xác định các quyền được hưởng trên biển, quyền chủ quyền, tài phán và lợi ích chính đáng trên biển, và UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất mà mọi hoạt động trên biển phải tuân theo.

Thành Nam

Việt Nam làm điều chưa từng có, từ sự hoài nghi đến điều không tưởng

Việt Nam làm điều chưa từng có, từ sự hoài nghi đến điều không tưởng

Đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vai trò dẫn dắt, cùng ASEAN tự tin vững bước vào thập niên thứ 6.