Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Bùi Quang Việt chia sẻ với Góc nhìn thẳng về bài học kinh nghiệm sau vụ cháy quán karaoke. Toàn ngành sẽ tổng rà soát, kiểm tra tất cả các quán karaoke..., nếu có vi phạm, sẽ đình chỉ hoạt động. 

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng chiều qua là tai nạn thương tâm, là hồi chuông báo động cho công tác phòng cháy chữa chạy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Điều đau xót hơn là cơ sở này chỉ vừa mới qua đợt thanh kiểm tra liên ngành và đã có yêu cầu ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy nhưng đã không chấp hành.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có tới 23 vụ cháy quán karaoke, qua kiểm tra đều phát hiện có những vi phạm về điều kiện hoạt động kinh doanh.

Vì sao lại có thực trạng như vậy?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet trao đổi với ông Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, liên quan vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội vừa xảy ra, dù lực lượng PCCC đã nỗ lực đến sớm nhưng thiệt hại xảy ra vẫn vô cùng nặng nề. Xin ông cho biết rõ về vấn đề này và đến nay, nguyên nhân chính thức đã được xác minh hay chưa?

Ông Bùi Quang Việt: Vụ cháy quán karaoke ở 68, Trần Thái Tông, Hà Nội vừa qua là vụ cháy thiệt hại rất lớn về người. Nguyên nhân chính thức của vụ cháy hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, chúng tôi xin cung cấp thông tin sau.

Tuy nhiên, có thể thấy, các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở nên không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn. Trong loại hình cơ sở này, tồn chứa rất nhiều loại vật liệu dễ cháy như mút, xốp, phông, rèm. Khi có cháy, tốc độ cháy lan rất nhanh chỉ trong vài phút, đám cháy sẽ phát triển với diện tích rất lớn theo chiều đứng của toà nhà, rồi toả rất nhiều khí độc nên người trong quán không phát hiện kịp thời, không thoát nạn ra nơi an toàn thì dễ nhiễm độc khói và gây ra tử vong.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin hỏi thêm ông, loại hình karaoke có đặc thù có phòng hát rất kín. Nếu chỉ có hệ thống chuông báo hoả chung thì người trong phòng hát khó nghe được. Vậy theo quy định hiện nay, có bắt buộc mỗi một phòng hát phải có lắp chuông báo động hay không?

Ông Bùi Quang Việt: Các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đưa vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo điều 7, Nghị định 79/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/7/2014 của Chính phủ. 

Theo đó, các cơ sở có khối tích từ 1.500m3 trở lên thì phải được các cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt, nghiệm thu về điều kiện phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh doanh karaoke có khối tích nhỏ hơn 1.500m3 thì các chủ cơ sở này cũng vẫn phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy theo các tiêu chuẩn quy chuẩn.

{keywords}
Ông Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an trả lời chuyên mục Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, theo một số nguồn thông tin của cơ quan báo chí, thấy rằng, cơ sở kinh doanh karaoke này đã từng được thanh tra, kiểm tra vào tháng 10 và nhận được yêu cầu ngừng hoạt động do chưa nghiệm thu được về điều kiện phòng cháy chữa cháy. 

Trên thực tế, kể từ đầu năm nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra, khi kiểm tra, đều thấy có vi phạm về điều kiện kinh doanh, hoạt động. Ở đây, liệu có nguyên nhân từ trách nhiệm của cơ quan chức năng khi đã buông lỏng quản lý hay không? Ông có ý kiến thế nào về điều này?

Ông Bùi Quang Việt: Về vấn đề này, tôi được biết qua thông tin báo chí phản ánh. Để có thể trả lời một cách chính xác, chúng tôi sẽ phải tổ chức xác minh và sẽ có thông tin tới các bạn.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke, chúng ta có những biện pháp nào để bắt buộc các chủ cơ sở này phải có ý thức tuân thủ cao về phòng cháy chữa cháy?

Ông Bùi Quang Việt: Chúng tôi cho rằng, vai trò của người chủ cơ sở là rất quan trọng. Theo quy định về pháp luật, tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy mới được hoạt động. Cụ thể là, các cơ sở phải có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm và sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm tính chất hoạt động của cơ sở. 

Các cơ sở này cũng cần phải tổ chức cho các nhân viên phục vụ tự tìm hiểu, học tập về kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên cũng như khách đến quán chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy; tổ chức quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi đốt vàng mã..., lắp đặt, sử dụng an toàn thiết bị điện.

 Với các thiết bị điện công suất lớn, phải có hệ thống thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án phương tiện tại chỗ thoát nạn khi có có sự cố cháy nổ xảy ra thì có thể kịp thời thoát nạn an toàn, kip thời xử lý đám cháy khi mới phát sinh.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông chia sẻ, hiện nay hầu hết các quán kinh doanh karaoke có thiết kế đặc thù tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn hoả hoạn. Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để phòng ngừa nguy cơ hoả hoạn và nếu có cháy xảy ra, có thể giảm thiểu mọi thiệt hại ở mức thấp nhất?

Ông Bùi Quang Việt: Đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, ngay sau vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã có công điện 74 ngày 1/11/2016 chỉ đạo công an và cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện ngay một số nội dung. 

Cụ thể là thực hiện ngay việc rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở kinh vui chơi giải trí tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây cháy nổ cao như quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, sẽ có hướng dẫn khắc phục ngay những thiếu sót và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Thứ ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn, phát huy phương châm 4 tại chỗ, tức là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Do vậy, về vấn đề này, tôi nghĩ là các cơ sở phải nêu cao vai trò này.

Đối với người khách đến quán karaoke, cũng cần phải tìm hiểu các lối thoát nạn, chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy của cơ sở, ,không mang các vật liệu, chất dễ cháy vào quán karaoke. Khi có cháy xảy ra, phải bình tĩnh, kịp thời hô hoán, theo hướng thoát nạn mà mình tìm hiểu để thoát nạn an toàn và kịp thời thông báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 để chữa cháy, cứu nạn kịp hộ kịp thời.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Xuân Quý, Đức Yên

Các tin khác: