- "Cái khó của việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng là vi phạm diễn ra khi còn đương chức, khi xử lý kỷ luật thì đã về hưu"- TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Kính thưa quý vị và các bạn

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương được dư luận đồng tình những cũng có không ít thắc mắc.

Để làm rõ hơn việc này, Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Nhà báo Hoàng Hường:Thưa TS, với những người đương chức, nếu bị kỷ luật về Đảng thường thì bước tiếp theo thường sẽ là cách chức về chính quyền. Nhưng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu, việc xử lý kỷ luật tiếp theo sẽ như thế nào, đây chính là vấn đề người dân băn khoăn nhất?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việc này còn phụ thuộc vào vi phạm. Phía bên Đảng, kỷ luật được là vì ông Vũ Huy Hoàng vẫn là đảng viên. Đảng xử lý kỷ luật đảng viên hoàn toàn có cơ sở. Bên phía chính quyền giờ sẽ như thế nào? Ông Vũ Huy Hoàng không còn chức,  thì những chế tài về hành chính liên quan đến chức vụ chắc không xử lý được nữa. Nhưng có những chế tài khác, nếu có vi phạm pháp luật, nếu ở mức độ hành chính vẫn có thể xử phạt bằng tiền.

Về phía Nhà nước, không còn nhiều chế tài có thể áp đặt được, nhưng về trách nhiệm hình sự hoàn toàn có thể áp đặt được. Tôi không nói cần phải xử lý hình sự bởi phải căn cứ vào vi phạm. Vi phạm đến đâu, có cấu thành tội phạm hay không thì chỉ có cơ quan điều tra mới trả lời được.

Nhà báo Hoàng Hường:Với những quy định hiện hành, liệu có công bằng, thoả đáng hay không khi cùng một mức kỷ luật  một bên đương chức còn có chức để cách, còn một bên còn lại không có chức để cách nữa?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Công bằng là một thứ tương đối. Chúa  tạo ra nhiều người đã khác nhau rồi. Trong trường hợp này, để nói công bằng với người đương chức là khó. Những người đương chức phải công bằng với nhau, những người về hưu công bằng với nhau. Công bằng ở mức như vậy,  chứ không tuyệt đối được. Ông Vũ Huy Hoàng làm gì còn chức mà cách nên muốn công bằng tối đa là khó.  Công bằng nên hiểu thế này: những người đang chức chịu chế tài như nhau về những hành vi vi phạm như nhau. Những người về hưu chịu chế tài như nhau với những vi phạm trong quá khứ, ví dụ như trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm hình sự.

Nhà báo Hoàng Hường:Người dân lâu nay vẫn chưa đồng tình trong việc xử lý cán bộ cấp cao mắc sai phạm khi họ đã nghỉ hưu, đã "hạ cánh an toàn". Theo TS việc xử lý kỷ luật về Đảng nên được làm thế nào để bớt đi tình trạng này?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết về mặt áp đặt trách nhiệm, về kỷ luật Đảng, phải hiệu quả. Nếu trong quá trình làm việc để xảy ra vi phạm ta có UB Kiểm tra của Đảng, có chế độ phê bình và tự phê bình. Có rất nhiều công cụ của Đảng. Các công cụ đó cần hiệu năng hơn khi người ta đang còn chức. Những vi phạm đó xảy ra khi đang còn chức, và thực chất nhiều nhiều việc có chức mới vi phạm được. Trong trường hợp này, các cơ quan kiểm tra, các cơ quan chịu trách nhiệm, ví dụ UB Kiểm tra, cấp uỷ… phải phát huy hiệu quả hơn nữa. Khi có vi phạm có thể xử lý được khi người vi phạm còn chức, khi họ về hưu rồi rõ ràng hiệu quả răn đe sẽ thấp hơn.

Thứ hai, việc giám sát từ phía Nhà nước cũng cần được tăng cường. Khi thực hiện chức trách, công vụ, luôn có một hệ thống giám sát. Đó là đòi hỏi của nền quản trị. Ở tầm bộ trưởng, cơ quan giám sát là Quốc hội. Ở tầm dưới bộ trưởng là thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Tất cả thiết chế giám sát đó cần vận hành tốt hơn.

Nhà báo Hoàng Hường:Qua việc xử lý nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các vụ việc nổi cộm sắp được xem xét, xử lý tới đây, TS đánh giá thế nào về việc chỉnh đốn Đảng đang được triển khai?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Với quyết tâm chính trị cao, chúng ta có thể làm tốt. Người dân cũng như các cán bộ, cả về hưu, cựu chiến binh… và tất cả các đối tượng khác chờ mong kết quả cụ thể hơn và có tính răn đe cao hơn nữa.

Nhà báo Hoàng Hường:Cảm ơn TS về cuộc trao đổi.

VietNamNet