Tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu diễn ra chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khu vực ĐBSCL và TP.HCM bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như triều cường tăng cao, lũ lớn diễn ra nhiều nơi, nhiệt độ tăng… 

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại tại diễn đàn ĐBSCL 2019 

Thủ tướng cho rằng, những khó khăn trên không đáng lo ngại bằng việc nhiều người dân chưa nhận thức được thách thức này, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa sẵn sàng đối phó với vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu góp phần gây biến đổi khí hậu...

Thủ tướng cho rằng sinh kế của khoảng 20 triệu người dân ở khu vực ĐBSCL đang gặp thử thách lớn nhưng nếu vượt qua được thì sẽ tạo sức bật tăng trưởng lớn.

Theo Thủ tướng, liên kết vùng trong cơ chế điều phối thì TP.HCM có vai trò rất quan trọng, nhưng ĐBSCL cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Thủ tướng cho rằng đây là hai khu vực có vai trò quan trọng đối với kinh tế đất nước khi chiếm 60% GDP cả nước.

Cũng theo ông, nếu ĐBSCL bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến GDP của TP.HCM và cả nước. Vì vậy, đầu tư cho ĐBSCL, TP.HCM cũng là đầu tư cho cả nước. Vai trò của ĐBSCL không chỉ đối với TP.HCM, cả nước mà cả thế giới khi khu vực này đóng góp nguồn lương thực lớn.

"Như vậy, nguy cơ lớn thì thời cơ cũng lớn. Lịch sử loài người luôn khát vọng vươn lên, khám phá… Nhưng hiện nay có những loài vật, tộc người bị thu hẹp, ngược lại có những loài vật, tộc người phát triển mạnh mẽ hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

{keywords}
Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2019 

Tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 đối phó biến đổi khí hậu

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị xác định phương châm hành động thời gian tới là “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”.

"Chính phủ bố trí lại nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực; doanh nghiệp hành động bằng những dự án đầu tư cụ thể; người dân hưởng ứng, tăng cường nhận thức tham gia cùng Chính phủ, xã hội trong việc tái cơ cấu sản xuất kinh tế", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với nghị quyết 120, chúng ta không can thiệp thô bạo vào tự nhiên nhưng không có nghĩa là cam chịu số phận, sắp đặt của tạo hóa. Do đó, cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thành tựu và chúng ta nên tận dụng những thành tựu này để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu thêm để tạo môi trường tốt hơn cho DN, linh hoạt về chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, vấn đề sử dụng đất, phát triển sản phẩm cây ăn trái, thủy, hải sản phải được định hướng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng gợi ý đến vấn đề ngân sách, các địa phương cần có một khoản dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, cùng với đó Trung ương sẽ có hỗ trợ. Ông giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính này để trình cấp thẩm quyền.

Để phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng cần đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng TP.HCM và khu vực ĐBSCL. Do đó, Thủ tướng đề nghị tìm phương án tăng nguồn vốn để ưu tiên đầu tư hạ tầng cho khu vực này. 

{keywords}
Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL 

 

Đối với TP.HCM, Thủ tướng đề nghị địa phương này phải làm nhạc trưởng, điều phối liên kết vùng, xây dựng cơ chế liên kết trình Chính phủ xem xét. Liên kết vùng để TP.HCM và ĐBSCL cùng hưởng lợi.

Ông cũng đề nghị TP.HCM đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào chống biến đổi khí hậu. Trong đó, tuân thủ nguồn lực, hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ đó áp dụng cho cả ĐBSCL.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, sớm trình Thủ tướng ban hành chỉ thị hành động nhằm thể chế hóa, thúc đẩy triển khai các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp được nêu ra tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu là một cuộc chiến trường kỳ, khó khăn và phức tạp. Do đó, chúng ta phải biết huy động nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, từ sức mạnh của nhân dân, hệ thống chính trị thì mới có thể bền vững, thành công.

“Tổ tiên đã khó nhọc mở cõi, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn từng tấc đất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về 'điểm nghẽn' hạ tầng giao thông ĐBSCL

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về 'điểm nghẽn' hạ tầng giao thông ĐBSCL

 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" cho sự phát triển bền vững của TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuấn Kiệt