Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

"Một trong những nội dung được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới đây là tình hình kinh tế xã hội và phân bổ ngân sách, trong đó có vấn đề lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 khóa XII mà Trung ương 4 đã kết luận. Như vậy, việc cải cái tiền lương đã lỡ hẹn lần thứ 2. Vậy, chính sách tiền lương trong thời gian tới sẽ thực hiện như thế nào, vẫn duy trì cơ chế lương cũ dựa vào mức lương cơ sở hay có sự thay đổi nào không? Nếu như vẫn giữ cách tính lương cũ thì 3 năm liên tục không tăng lương cơ sở. Quốc hội sẽ tính toán như thế nào đối với vấn đề này?", phóng viên báo VietNamNet đặt câu hỏi.

Cán bộ công chức đồng thuận lùi tăng lương

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Việc này, Trung ương 7 khóa XII đã chuẩn bị rất kỹ.

{keywords}
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

"Tuy nhiên, vừa qua do dịch bệnh Covid -19 tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội nước ta, không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống mà chúng ta phải chi rất nhiều ngân sách cho công tác phòng, chống dịch từ việc mua kít xét nghiệm, mua vắc xin, thiết bị y tế, chi có lực lượng tuyến đầu và cán cơ sở", ông Cường thông tin.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất, nếu năm nay hết sức cố gắng thì tăng trưởng GDP chỉ đạt trên 3%.

"Như vậy nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn và cán bộ công chức cũng sẵn sàng, đồng thuận và theo nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII là lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Bùi Văn Cường nói.

Về thời điểm nào sẽ thực hiện cải cách tiền lương, ông Cường cho hay, Trung ương đã giao Chính phủ, các cơ quan liên quan và Quốc hội xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Tuy nhiên, Trung ương cũng xác định, nhóm thu nhập thấp được ưu tiên tăng lương trước. Theo đó, những người có lương hưu trước năm 95 được xem xét trước.

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”

Thông tin thêm về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, đến giờ này, chúng ta cho là cải cách tiền lương lỡ hẹn, Trung ương 4 vừa rồi cũng nói là dời cải cách tiền lương không thời hạn, đến thời điểm thích hợp sẽ làm.

Ông Phong giải thích, thời gian qua, chúng ta thấy là đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Cụ thể như cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản để tiết kiệm tạo nguồn hay quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế để tăng nguồn; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm; dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách địa phương; 40% tăng thu ngân sách trung ương để dành nguồn cho cải cách tiền lương.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong

"Nhìn chung các vấn đề này đều tập trung thực hiện nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, biên chế song hành cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Các điều kiện cần thiết để đáp ứng cải cách tiền lương chưa đạt được yêu cầu", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.

Mặt khác, toàn bộ nguồn lực của quốc gia gần như tập trung đầu tư cho phòng chống dịch Covid-19.
Các địa phương đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh Quỹ để cải cách tiền lương của Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn sử dụng nguồn tiết kiệm để cải cách tiền lương dùng giải quyết cho phòng chống dịch. Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang đón nhận một lượng lớn người dân trở về quê, họ không có nguồn để chi giải quyết vấn đề này do ngoài dự kiến hoàn toàn và vướng Nghị quyết 23 của Quốc hội nên chưa chi được.

"Chúng ta thấy rằng, cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế mà giai đoạn này nếu có tiền mà chúng ta tăng lương thì cũng chưa phù hợp về mặt chính trị. Tôi cho rằng, chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp. Bởi lẽ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được", ông Phong giải thích.

Sắp tới việc tăng lương thực hiện theo lộ trình nào, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, căn cứ theo mức lương cơ bản hay mức sống tối thiểu, các mức chênh lệch của khoảng cách về tiền lương, chắc chắn Chính phủ sẽ trình khi điều kiện ngân sách, nguồn lực cho phép.

Tại hội nghị Trung ương 4 mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến 1/7/2022, thay vì năm 2021.

Nghị quyết 27 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu rõ, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

 

Thu Hằng

Những dấu ấn sau kiện toàn nhân sự của Quốc hội

Những dấu ấn sau kiện toàn nhân sự của Quốc hội

Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi kiện toàn nhân sự, hàng loạt quyết sách quan trọng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua với những quy định chưa từng có tiền lệ.