Công nghiệp phụ trợ Việt Nam và chặng đường “từ không thành có”

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng đối ngoại Samsung Việt Nam cho biết, hồi năm 2008, khi Samsung mới đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của nước ta vẫn còn rất yếu. 

Ở thời điểm đó, trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp khối ngành FDI ở mức thấp. 

Để hỗ trợ Việt Nam cải thiện điều này, Samsung đã thường xuyên tổ chức những chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam. 

{keywords}
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Lịch sử cho thấy, vào năm 2004, chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Tuy vậy, số lượng các nhà cung ứng của Việt Nam trong chuỗi doanh nghiệp phụ trợ cho tập đoàn này đang tăng lên. 

Đến nay, đã có 240 nhà doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung với tổng cộng 190 nhà cung ứng cấp 2 và 50 nhà cung ứng cấp 1. 

Samsung cũng đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam nhằm nâng cao số lượng nhân viên nghiên cứu. Trong trung tâm nghiên cứu của Samsung, có rất nhiều các bạn sinh viên trẻ đến từ Việt Nam. 

{keywords}
Theo đại diện Samsung, các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ Việt Nam đã tăng mạnh cả về chất và lượng trong 10 năm qua. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Tuấn, để Việt Nam có thể chuyển đổi số, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Điều này đúng với mọi doanh nghiệp, không chỉ riêng các doanh nghiệp công nghệ số. 

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Tuấn cho rằng, điều cần lưu ý trong cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển công nghệ là tính liên kết. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ không mua linh kiện rời, họ mua giải pháp. Nếu làm được những giải pháp, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp gia công: Làm sao để sản xuất các sản phẩm Make in Vietnam?

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra góc nhìn của mình để tư vấn cho các doanh nghiệp muốn chuyển từ gia công sang làm các sản phẩm công nghệ số. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch MISA, cách làm các sản phẩm đóng gói, có thương hiệu hay các sản phẩm Make in Vietnam rất khác so với việc làm sản phẩm gia công đơn thuần. Với Make in Vietnam, chúng ta phải làm sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng khác nhau, đó phải là sản phẩm mà ai cũng có thể dùng được.

{keywords}
Phó chủ tịch MISA cho rằng, việc làm sản phẩm Make in Vietnam khác hẳn với việc gia công. Ảnh: Trọng Đạt

Để chuyển từ gia công sang làm sản phẩm Make in Vietnam, một doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, họ cần phải có mindset (tư duy) về sản phẩm, phải biết mình làm sản phẩm gì, phục vụ ai? 

Theo ông Hoàng, khi sản xuất các sản phẩm Make in Vietnam, nếu bị một lỗi, giá phải trả cho sai lầm đó là rất lớn. Do vậy, các sản phẩm tự sản xuất phải được chau chuốt với trải nghiệm khách hàng xuyên suốt. 

Theo vị chuyên gia này, nhà sản xuất cần tính đến những rủi ro có thể xảy ra để phòng ngừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khâu bán hàng, tổ chức marketing, hậu mãi. 

{keywords}
Ông Trương Quốc Hùng - TGĐ công ty VinBrain. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ câu chuyện của mình, ông Trương Quốc Hùng - TGĐ công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) cho rằng, nếu muốn tạo ra sức ảnh hưởng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tạo ra một sản phẩm khác biệt, giải các bài toán chưa từng ai giải trên thế giới. Công ty VinBrain của ông Hùng đã đi theo hướng này khi chọn giải bài toán của ngành y bằng trí tuệ nhân tạo. 

Theo ông Hùng, ngoài việc tìm các bài toán độc đáo, các start-up, các công ty công nghệ cần giữ được tính kiên trì trong việc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, khi xây dựng đội ngũ, các công ty cần chọn lọc từng người để tạo một tập thể vững chắc trước khi muốn nhân rộng. Điều quan trọng hơn cả, đội ngũ của các start-up Việt cần phải có sự kết nối chặt chẽ và đồng lòng, cùng nhau quyết tâm phát triển các sản phẩm Make in Vietnam. 

Trọng Đạt