Cũng chỉ có một văn bản pháp luật đưa ra định nghĩa chính thức về DNN&V và quy định các biện pháp hỗ trợ được ban hành, lúc đó là Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Sếp của tôi lúc đó cũng bảo, đó là một thời điểm kinh khủng, khi lần đầu tiên có cơ quan nhà nước lấy tên miền Internet là business.gov.vn, và sự ra đời của luật Doanh nghiệp năm 2000 khi ấy đã cởi trói cho không biết bao nhiêu người từ bỏ vùng an toàn để làm chủ DN của mình.

{keywords}
Sự ra đời của luật Doanh nghiệp năm 2000 đã cởi trói cho không biết bao nhiêu người từ bỏ vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp của mình. Ảnh minh họa

Tôi cũng không thể ngờ được chỉ vì mấy chữ DNN&V/SME thôi, mà biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới loay hoay tìm cách hỗ trợ, phát triển từ 70 năm qua và vẫn đang tiếp tục làm việc ấy mạnh hơn. Trong 20 năm, hộp cardvisit của tôi cũng tích luỹ được khoảng vài nghìn chiếc của những người làm về phát triển DNN&V đến từ ít nhất 50 quốc gia.

Nhỏ nhưng không phải dạng vừa

DNN&V là một khái niệm quen thuộc trong tất cả các nền kinh tế và trong các ngôn ngữ chính trên toàn cầu. Các khái niệm SME trong tiếng Anh, PME trong tiếng Pháp, KMU trong tiếng Đức, PYME trong tiếng Tây Ban Nha, hay 中小企业 - “trung tiểu xí nghiệp” trong tiếng Trung/Nhật là các khái niệm tương đương với DNN&V hay Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tuy là khái niệm được dùng chung, nhưng không có một định nghĩa thống nhất về DNN&V giữa các quốc gia.

DNN&V có thể có tới 1.200 lao động trong một số ngành ở Hoa Kỳ, dưới 250 lao động ở EU, không quá 200 lao động ở Việt Nam, 50 lao động ở Ai Cập, hoặc được định nghĩa theo quy mô của các tiêu chí khác như số vốn đăng ký, tổng tài sản, doanh thu, giá trị xuất khẩu v.v…

Thế giới hiện nay có trên 400 triệu DNN&V, ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam, DNN&V chiếm tuyệt đại đa số, 99,99% như ở Anh, 99,7% ở Nhật Bản so với 97,4% ở Việt Nam v.v…

Về khía cạnh xã hội, hỗ trợ và phát triển DNN&V chính là phát triển khu vực trung lưu của xã hội, duy trì mô hình phát triển xã hội bền vững theo hình thoi, đồng thời giúp bảo tồn các giá trị truyền thống.

Về khía cạnh kinh tế, phát triển DNN&V giúp duy trì sự năng động thông qua khởi nghiệp, qua sự tự chèo lái, sự tham gia trong các chuỗi giá trị, đồng thời phát huy các kinh nghiệm tích luỹ vì “nhỏ không có nghĩa là mới”.

Về khía cạnh hiệu suất, phát triển DNN&V giúp phát huy sự cải tiến ở cấp gốc rễ thông qua quan niệm “nhỏ là đẹp” và về khía cạnh phát triển, điều này góp phần đẩy mạnh sự đổi mới sáng tạo, sự linh hoạt trong thích ứng, góp phần vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Với tôi, DNN&V còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và trao cho họ cơ hội hiện thực hoá giấc mơ làm chủ.

Trước khi học được những điều này, tôi đã không nghĩ rằng các nền kinh tế khác nhau, phát triển hay đang phát triển, đều chia sẻ những quan điểm như vậy về DNN&V.

Có lẽ phần lớn chúng ta không hình dung được DNN&V trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể phục.

Ví dụ, một số “unique SME” (tạm dịch: DNN&V sản xuất các sản phẩm mà không DN nào khác sản xuất) ở Nhật có khả năng sản xuất các phụ kiện của tàu vũ trụ để bán cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) với trị giá khoảng vài chục ngàn USD.

Nhiều DNN&V tôi đến thăm ở Nhật Bản hoạt động trong ngành cơ khí có tuổi đời gần 100 năm tiêu thụ trên 97% số lượng sản phẩm được sản xuất cho thị trường nội địa với yêu cầu chất lượng rất cao.

Ở Hoa Kỳ, nơi có chính sách quy định mức ngân sách mua sắm tối thiểu của Liên bang dành cho các nhà thầu là DNN&V, tôi rất ngạc nhiên khi được biết Bộ Quốc phòng mặc dù là cơ quan đòi hỏi nhiều sản phẩm công nghệ rất cao lại chính là cơ quan chính phủ mua sắm nhiều nhất từ các nhà cung cấp là DNN&V.

Có rất nhiều sản phẩm chúng ta đang dùng hàng ngày ở Việt Nam đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới bắt đầu khởi sự như một DNN&V: Apple (Steve Jobs và Steve Wozniak, 1976), Amazon (Jeff Bezos, 1994), Microsoft (Bill Gates và Paul Allen, 1975), Google (Larry Page và Sergey Brin, 1998) v.v…

Báo cáo của OECD và nhiều tổ chức quốc tế cho thấy DNN&V có hoạt động đổi mới sáng tạo rất mạnh, các DN siêu nhỏ có thể có hiệu suất kinh doanh cao hơn các tập đoàn lớn.

DNN&V Việt Nam: Vẫn còn nhiều ẩn số

Đó là câu chuyện ở nước ngoài, còn ở Việt Nam thì sao?

Tổng số DN Việt Nam được thành lập từ năm 1991 tính đến thời điểm này khoảng 1,65 triệu, tổng số DN còn hoạt động là 811.538 (tính đến hết 2020), như vậy tỷ lệ các DN sống sót sau 30 năm là khoảng 52%, một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia thành viên OECD.

Một DN Việt Nam điển hình năm 2021 đăng ký mới có bình quân 7,3 lao động, vốn đăng ký 13,9 tỉ đồng. Với “chiều cao” và “cân nặng” như vậy, một DN (mà đa số là nhỏ) của chúng ta thực chất có sức khoẻ như thế nào?

{keywords}
 

DN Việt Nam bán hàng hoá, dịch vụ cho DN nước ngoài ở Việt Nam khá ít (chỉ 15%), tham gia ít vào xuất khẩu (gần 16%, cả trực tiếp và gián tiếp), ít tham gia chuỗi giá trị (chỉ khoảng 21%, so với 30-50% các nước trong khu vực), đầu tư cho khoa học công nghệ cực kỳ ít (0.3-1%, so với các nước 5-50%). Tuyệt đại đa số DN của chúng ta (98%) chưa làm gì hoặc làm rất ít để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 (theo khảo sát, đánh giá của VCCI, IFC, Tổng cục Thống kê, Bộ Công thương).

Không chỉ như vậy, còn rất nhiều thông tin chúng tôi mong muốn tìm kiếm trong quá trình làm việc để nhận diện được đầy đủ khu vực DNN&V Việt Nam nhưng không tìm được một cách hệ thống, đó là thông tin về các doanh nhân (trình độ, kinh nghiệm, tuổi, số DN đang quản lý…), về sự thay đổi của các DNN&V trong nội bộ từng ngành, về số vốn thực đem vào đầu tư (không phải vốn đăng ký), về số lao động thực sử dụng.

Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi không quan sát được sự vận động của các khối DN siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn; số lượng DNN&V đã nhận hỗ trợ tài chính; số lượng DNN&V đã tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước; số lượng/tỷ lệ DNN&V có nhu cầu hỗ trợ trong từng lĩnh vực.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều chương trình hỗ trợ các DNN&V trong 20 năm qua, giờ đây không ai trả lời được câu hỏi đã có bao nhiêu DNN&V Việt Nam được Chính phủ hỗ trợ.

Đáng buồn thay, trong xã hội cũng có một số hiểu lầm không đáng có về DN/DNN&V Việt Nam. Ví dụ “DN Việt Nam yếu kém, phần lớn là DNN&V”, chúng ta đã thấy tỷ lệ phần lớn này xảy ra ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới.

Nhiều ý kiến thậm chí cho rằng “DN Việt Nam càng ngày càng yếu thể hiện qua quy mô lao động trung bình nhỏ dần qua các năm”. Thực chất nhận định này không chính xác, vì số lao động trung bình của một DN đăng ký mới ít đi do nhiều nguyên nhân: chuyển dịch cơ cấu sang dịch vụ, thị trường lao động và khả năng thuê dịch vụ ngoài tốt hơn, tốc độ tăng số DN mới lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số, chưa tính đến việc các ngành nghề CMCN 4.0 sẽ sử dụng ít lao động hơn nữa.

Chúng ta có thể tham khảo một ví dụ: Hoa Kỳ có 29 triệu DN trong đó có 22 triệu DN một chủ, nhưng như vậy không có nghĩa là DN Hoa Kỳ yếu hơn DN Việt Nam.

Như vậy, chúng ta đều thấy để giúp các DNN&V Việt Nam cất cánh như ở các nước khác, còn rất nhiều việc phải làm, ít nhất để nắm chắc được bức tranh về DNN&V những chỗ nào đã có màu, chỗ nào chưa có màu.

Ít nhất phải hiểu được các DN năm nay đã đầu tư bao nhiêu tiền vốn, đội ngũ quản lý có kinh nghiệm không, lao động còn thiếu kỹ năng gì, và điều gì là trở ngại để các DNN&V xuất khẩu được nhiều hơn, tham gia chuỗi giá trị sâu hơn, đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việc nhận diện được rõ dáng hình của DN nhỏ Việt Nam là hết sức cần thiết và cơ bản, bên cạnh những nỗ lực mà Chính phủ đang thực hiện để hoạch định và triển khai đối với các luật và chiến lược quan trọng như luật Hỗ trợ DNN&V (2017), các chiến lược về CMCN 4.0, chiến lược về kinh tế số, chiến lược về chuyển đổi số, chiến lược đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, để DNN&V tận dụng được những hạ tầng thể chế để phát triển bứt phá. Ai cũng mong nhìn thấy tên tuổi của các DNN&V, các start-up Việt xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực và trên thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế đã coi trọng việc phát triển DNN&V từ cách đây 70 năm, Việt Nam mới chỉ bắt đầu công cuộc này cách đây khoảng 20 năm, vì vậy phía trước cần rất nhiều nỗ lực để phát huy tối đa vai trò của khu vực DNN&V, đóng góp vào sự phát triển bứt phá và bền vững thật sự của nền kinh tế.

Tất cả chúng ta đều tin rằng bệnh dịch Covid-19 sẽ không cản trở được những doanh nhân Việt luôn tràn đầy nhiệt huyết và nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, nhân dịp 20 năm ra đời của nghị định đầu tiên của Chính phủ đưa ra định nghĩa của DNN&V, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới cộng đồng DNN&V Việt Nam, dù chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúc các DNN&V luôn vững tay chèo vượt qua sóng dữ và đi ra biển lớn thành công!

Nguyễn Hoa Cương (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Năm đề xuất tạo cú hích để doanh nghiệp sản xuất an toàn

Năm đề xuất tạo cú hích để doanh nghiệp sản xuất an toàn

Đối mặt với dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến, cùng các biến chủng virus nguy hiểm, các nước trên thế giới đã triển khai chiến lược chống dịch khác nhau. Nhiều nước tiến tới chấp nhận “sống chung với Sars-Cov-2”.