LTS: TP.HCM mỗi ngày đã có cả nghìn ca mắc mới Covid-19. Sống cùng F0, hay sống cạnh F0 đã trở thành tình thế hiện hữu có thể đến với bất cứ người dân nào ở thành phố lúc này.

Dưới đây là câu chuyện của tác giả Hoàng Nguyên Vũ (quận 3, TP.HCM). Bài viết đã đăng trên trang cá nhân.
 
Bà tên là Mai, năm nay đã 78 tuổi. Hầu hết những người như bà Mai sống chết ở cùng với chủ, như một thành viên trong gia đình, không phân biệt.

Hai năm trước tôi chuyển về khu này, gặp thì thấy bà còn lanh lợi nhưng trí nhớ bị lẫn. Bà hỏi tôi mỗi một việc là "chú mua nhà này à?", mà có ngày bà sang hỏi đến 20 lần. Đến mức, người nhà bà phát cáu phải gọi bà về.

Cách đây nửa năm bà bị ngã và bị liệt phải ngồi một chỗ. Cửa nhà luôn mở, bà ngồi tầng trệt, luôn ngó ra ngoài với ánh nhìn rất buồn. Chỉ ánh mắt thôi, còn tất tần tật ý niệm về thời gian cũng bị lãng quên theo trí nhớ. Đôi khi mới 9 giờ sáng, bà hỏi, "mấy giờ chiều rồi con?". Hoặc thấy nhân viên tôi đi làm về, bà hỏi, đi chợ nấu bữa trưa à?

{keywords}
Những cụ ông, cụ bà dễ bị lây nhiễm khi dịch phát tán trong cộng đồng. Ảnh: Thanh Tùng

Cách đây 1 tuần, lực lượng y tế xét nghiệm toàn khu phố khi phát hiện có 1 người dương tính. Và bà Mai bỗng có kết quả nhiễm Covid-19. Ai cũng ngỡ ngàng vì ca này, người duy nhất trong ngôi nhà 9 người ấy, dương tính.

Cô con dâu cho hay, cô có đi chợ Tân Định nhưng cô âm tính. Anh con trai hay đi lại hút thuốc và có hút thuốc với gia đình có ca nhiễm. Nhưng anh cũng âm tính luôn.

Vậy chẳng biết “cô vít” nơi đâu, tự dưng rơi vào một bà cụ gần như cả năm nay không tiếp xúc với người ngoài, không có khả năng đi lại.

Và điều đáng ngạc nhiên là một tuần đã trôi qua, trong nhà ấy, cũng chỉ có mỗi bà cụ già này là dương tính. Không ai lây nhiễm cả.

Khi bà cụ bị được 3 ngày, gia đình đó rất hoảng. Nói gì thì nói, sống chung với một bệnh nhân với căn bệnh truyền nhiễm có thể nói là truyền nhiễm khủng nhất hiện nay, ai chẳng lo? Nhất là gia đình có một bà già bằng tuổi bà này, bệnh tật đầy mình và 3 đứa trẻ con...

Nhưng gia đình đó rơm rớm nước mắt thuyết phục đoàn chống dịch là không đưa bà vào bệnh viên dã chiến, bà không đi lại được, rất khổ cho lực lượng y tế và khả năng tiếp xúc gần lây bệnh khá cao. Lại trong lúc bệnh viện quá tải, sợ bà cụ “đi” trong cô đơn...

"Má ở đây mấy chục năm rồi, cũng buồn vui với nhà tôi. Xin cho má được ở lại thêm mấy hôm cũng được, để gia đình tôi tiện chăm sóc. Khi nào má trở nặng, chúng tôi sẽ gọi báo", người nhà cụ nói thế.

Đúng lúc, hệ thống y tế chống dịch ở Sài Gòn quá tải, không có chỗ cho bệnh nhân không triệu chứng, nên bà Mai chưa được đưa đi. Họ cửa đóng then cài kín mít, dũng cảm sống cùng dịch bệnh trong một căn nhà với sàn có hơn 20m2, 9 con người. Sau đó một hôm, TP.HCM có kế hoạch thí điểm để F0 không triệu chứng chăm sóc ở nhà. Thế là bà Mai ở lại.

Ông tổ dân phố gọi điện hỏi tôi cảm thấy thế nào khi phải sống cạnh gia đình có F0, tôi trả lời rằng tôi chẳng sợ gì cả.

Chỉ là mình sẽ khó cầm lòng, khi nhìn thấy một bà cụ tứ cố vô thân đi lên xe đến bệnh viện dã chiến và có thể đó là chuyến đi cuối cùng của đời bà. Ôi, chuyện không phải của nhà mình, mà bà cụ đi, có khi còn tốt cho mình hơn trong phòng chống dịch bệnh, nhưng tự dưng tôi thấy mắt mình nặng nặng khi tưởng tượng ra hình ảnh đó.

{keywords}
Khu phố nơi tác giả ở đã bị cách ly từ 10 ngày nay. Ảnh do tác giả cung cấp

Và thế là tôi sống một cách bình thường cạnh F0 suốt hơn một tuần rồi. Tôi học cách sống cùng dịch bệnh một cách cẩn thận nhất từ mọi khâu, nhất là ăn uống và sinh hoạt. Tôi ổn.

Hôm qua đứa cháu, cũng là nhân viên của tôi vô tình hỏi thăm bà cụ. Tôi có nói câu chuyện gia đình ấy chấp nhận sống chung với dịch bệnh để bà cụ không cô đơn buồn tủi những ngày cuối đời.

Thế rồi cháu tôi bảo, cậu không ra ngoài mấy ngày nay cậu không biết, dọc hè phố Sài Gòn, đặc biệt là chỗ gần Lăng Ông Bà Chiểu, có nhiều người trên vai có cái ba lô, ngồi trên vỉa hè chờ phát cơm. Họ còn trẻ lắm.

Có thể họ là những thanh niên đi làm về nhưng không kịp vào khu nhà trọ vì khu đó bị phong toả, thế thôi ở ngoài đường luôn đến đâu thì đến. Có thể là những người bị thất nghiệp, giờ rời Sài Gòn cũng không thể mà đi làm cũng chẳng ai thuê.

Nhưng họ không đói, vì vẫn còn đồng bào đùm bọc họ, đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh để đưa cho họ những hộp cơm cứu rỗi những ngày tháng ngặt nghèo này...
 
Hoàng Nguyên Vũ
 
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Các ý kiến trao đổi gửi về email:gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Phòng các kịch bản xấu để tránh tình huống xấu nhất

Phòng các kịch bản xấu để tránh tình huống xấu nhất

Dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh đe dọa sinh kế của người dân, làm đứt đoạn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...