Tôi rất quan tâm theo dõi các tuyến bài tranh luận đăng liên tiếp trên báo Thanh Niên gần đây về mâu thuẫn giữa Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không cho phép lập các trường công chất lượng cao và Luật Thủ đô cho phép loại trường công này, hai luật vênh nhau.

Một câu hỏi có lí và có căn cứ thực tế được đặt ra là: trường công chất lượng cao “là mô hình có nhiều bất cập, tạo nên những sự không công bằng trong giáo dục công” lập thì tại sao Hà Nội vẫn được thực hiện? 

Năm năm trước vấn đề nhức nhối này từng được báo chí đề cập trong hàng loạt bài của nhiều giáo sư trong/ngoài nước tâm huyết phản đối loại hình trường công kỳ dị này: “Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công”, “làm mất ý nghĩa của trường công”, “đi ngược nguyên tắc cơ bản của giáo dục”, “chức phận của nhà nước là lo giáo dục cho mọi người”, “thực chất là trò thương mại hóa giáo dục”, “sai lầm hoàn toàn về chính sách tài chính công: thay vì phục vụ toàn xã hội thì chỉ phục vụ một nhóm người giầu”, v.v…

Nhưng rồi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mô hình trường công chất lượng cao vẫn được phép triển khai “thí điểm”! Phải chăng nhóm lợi ích đã chi phối? 

{keywords}
Một trường công chất lượng cao. Ảnh: Thanh niên

Chúng tôi chưa bàn đến vấn đề chất lượng giảng dạy - học tập có thật cao hay không vì điều này phải được kiểm định nghiêm túc.

Điều chúng tôi muốn lưu ý cơ quan quản lí nhà nước các cấp, trước hết là Quốc hội, là: mô hình trường công chất lượng cao đi ngược lại lí tưởng Cách mạng tháng Tám và vi hiến.

Căn cứ các văn bản pháp quy thời xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dễ dàng nhận thấy: Trường công chất lượng cao phản lại nguyên tắc cơ bản nêu trong Sắc lệnh số 146 ngày 10/08/1946 của Chủ tịch nước, quy định "nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Công hòa là một nền giáo dục duy nhất"; tiếp đó báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 30/10/1946 lại giải thích rõ thêm: nền giáo dục của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "là nền giáo dục duy nhất, bình đẳng và chung cho cả quốc dân, không phận biệt giầu nghèo và giai cấp xã hội”.

Tại sao chúng tôi nói đi ngược lại lý tưởng Cách mạng tháng Tám?

Là bởi vì qua thực tế triển khai, trường công chất lượng cao chỉ nhằm phục vụ tầng lớp nhà giầu có thu nhập cao và nhóm chủ đầu tư tư nhân kinh doanh giáo dục. Dù có biện minh thế nào thì cũng không thể bác bỏ thực tế này.

Theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2013, có đến 62% người lao động có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng, mức sống tối thiểu của người lao động không nuôi con là 1.928.000đ/tháng, nếu nuôi 1 con thì chi phí tối thiểu sẽ là 3.278.000đ/tháng.

Trong khi đó học phí trường công chất lượng cao ở Hà Nội theo dự toán năm 2013 là 2.900.000/tháng. Nay, theo báo Thanh Niên ra ngày 13/11/2018, đến năm 2020 mức học phí đó “kịch khung” sẽ là 5,3 triệu/tháng.

Như vậy, tầng lớp nào mới có đủ điều kiện để cho con cái theo học ở cái gọi là trường công chất lượng cao?

Rõ ràng, Cách mạng tháng Tám đem lại cho con em nhà nghèo quyền được học hành bình đẳng với con em các tầng lớp trên, như Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên khẳng định trong bản báo cáo, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, trình tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946: “Trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giầu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp do các khả năng tinh thần có nhiều hay ít mà thôi”.

Thế mà nay, một số người nhân danh trường công chất lượng cao lại muốn tước đoạt quyền lợi đó của chính các tầng lớp nhân dân lao động đã làm nên cuộc Cách mạng đổi đời cho toàn dân!

Chúng tôi xin lưu ý: những cán bộ nhà nước đề xuất và ủng hộ trường công chất lượng cao đều đang hưởng lương từ tiền thuế của toàn dân, kể cả của 62% người lao động chỉ có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng.

Có ý kiến biện minh rằng: “Thủ đô cần có cơ chế đặc thù”.

Chúng tôi xin thưa: không một cơ chế đặc thù nào được phép vi hiến. Mục 2, điều 16, chương II của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Ngay cả bản Hiến pháp năm 1946 thời Hồ Chủ tịch cũng đã nêu rõ: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa" (Điều 6, Chương II, mục B).

Không thể quên, vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, một tuần trước khi mất, ứa nước mắt, nghẹn lời nói: "Chúng tôi cả một đời đi theo Cụ Hồ làm cách mạng mà bây giờ nông dân lại mất ruộng, con em nhà nghèo lại thất học!

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi