Thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Những ngày gần đây, các cuộc tập trận và triển khai các tàu sân bay của cả hai bên đã khiến các nhà nghiên cứu lo sợ một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng. 

{keywords}
Tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: US Navy

Biển Đông là điểm mấu chốt trong chiến lược của hai nước để giành quyền thống trị khu vực. Dường như cách tiếp cận hiện nay của Mỹ ở Biển Đông là đối phó với những hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc bằng việc tận dụng sức mạnh lớn hơn của chính mình. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Mỹ đang tích cực xây dựng những năng lực cần thiết để cản trở Trung Quốc can dự vào một cuộc đối đầu lớn.

Thế kẹt giữa hai cường quốc

Đối diện trước sự căng thẳng Mỹ - Trung, các nước ASEAN đang lâm vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Một bên là Trung Quốc mạnh mẽ, hung hăng nhưng ở sát bên. Còn một bên là Mỹ tuy ủng hộ lập trường Biển Đông của các nước Đông Nam Á nhưng chính sách lại hay thay đổi.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Singapore đã thể hiện quan điểm: “ASEAN không muốn chọn bên nào”. Đây không chỉ là là quan điểm của Singapore mà còn là của hầu hết các quốc gia ASEAN khác. Tuy vậy, một số nước ASEAN đã biết tận dụng cơ hội để đưa ra những quan điểm pháp lý của mình.

{keywords}
Phái đoàn Malaysia tại LHQ gửi công hàm bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc


Khởi đầu là Malaysia, tuy trước đây luôn chọn “chính sách ngoại giao im lặng” nhưng hành động lại rất thực dụng. Cuối năm 2019, Malaysia đã đệ trình Yêu sách thềm lục địa mở rộng của mình. Như mọi lần, Trung Quốc ngay lập tức đã phản bác yêu sách mở rộng thềm lục địa của Malaysia và khẳng định chủ quyền và các quyền của họ ở Biển Đông với các lập luận rất mơ hồ và mập mờ.

Sau đó, hàng loạt các quốc gia ASEAN đã gửi công hàm lên LHQ để tỏ thái độ. Đầu tiên là Philippines phản ứng, sau đó tới Việt Nam, Indonesia và cuối cùng là Malaysia. Điểm chung trong các tuyên bố này, đó là phản đối các yêu sách vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế của Trung Quốc; đồng thời viện dẫn Phán quyết Toà trọng tài năm 2016 ở những mức độ khác nhau.

Ảnh hưởng của tranh chấp Biển Đông đã lan ra khỏi phạm vi các nước Đông Nam Á. Mỹ, Australia và mới đây là Anh cũng đã đưa ra các tuyên bố chính thức.

Tất cả các tuyên bố này tỏ ra đồng điệu với lập trường của các nước ASEAN (đã nêu) trong việc phản đối các yêu sách biển phi lý của Trung Quốc và viện dẫn, tôn trọng Phán quyết năm 2016 ở những mức độ khác nhau.

Trung Quốc xoa dịu ASEAN

Dưới sự “công kích” của Mỹ, cùng với sự “phản kháng” của các nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, có sự “hoà giọng” từ các đồng minh khác của Mỹ, Trung Quốc, một mặt tỏ vẻ hoà dịu với Mỹ trong các tuyên bố. Tuy nhiên, họ không xuống thang trong các hành động “ăn miếng trả miếng” với Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc tích cực xoa dịu các nước ASEAN. Trong phát biểu mới đây, để tỏ vẻ hoà hoãn,  Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại là nhất trí khôi phục tiến trình đàm phán với các nước Đông Nam Á về COC. Động thái này được Trung Quốc thực hiện sau nhiều tháng không ngừng thúc đẩy các hoạt động nhằm khẳng định bản thân là cường quốc quân sự hóa mạnh mẽ nhất tại vùng biển này.     

Tháng 8/2018, nội dung dự thảo văn bản đàm phán được công bố, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đó đơn phương tuyên bố tiến trình này sẽ hoàn tất trong 3 năm. Tuy nhiên, với những thực tế đã xảy ra, người ta tự hỏi làm thế nào để có thể kết thúc COC theo hạn định đó.

Có thể sớm kết thúc?

Ngoại trưởng Philippines - quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm nay, cho biết là tháng 11 sắp tới sẽ nối lại đàm phán về COC. Tuy nhiên giới nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ điều đó. Một chuyên gia từ Singapore cho rằng “đó chỉ là nối lại đàm phán chứ chưa phải là đàm phán”.

Nhìn chung, các nước ASEAN muốn kiềm chế hành vi của Trung Quốc, còn Trung Quốc không muốn bị kiềm chế về hành vi của mình.

Về mặt kỹ thuật thì hiện đã có “Văn bản dự thảo đàm phán chung”, nhưng các bên vẫn không thể nhất trí với nhau về cùng những vấn đề trước đây. Chẳng hạn, không có dấu hiệu nào cho thấy các bên đồng quan điểm về phạm vi áp dụng COC.

Các cuộc thảo luận chính thức thậm chí còn chưa bắt đầu đi vào chi tiết như việc quản lý nghề cá, khai thác chung dầu khí, bảo vệ môi trường, hay thực thi pháp luật ở các vùng biển bị tranh chấp. 

Các nước sẽ giải quyết ra sao trước tuyên bố đòi quyền lịch sử của Trung Quốc bằng luật pháp trong nước và vai trò của luật pháp quốc tế sẽ ra sao trong trường hợp này? Và những bất đồng về cách diễn giải COC sẽ được giải quyết như thế nào? 

Liệu COC có mang tính “ràng buộc pháp lý” như mong muốn của một vài nước ASEAN hay không? Và “ràng buộc pháp lý” thực sự có nghĩa là gì?

Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác. Vì thế, tiến trình COC vẫn chưa thấy có khả năng sớm kết thúc.

Một khó khăn nữa cho ASEAN chính là việc Trung Quốc luôn muốn loại Mỹ và các quốc gia khác ra khỏi tiến trình đàm phán COC, và đây chính là thách thức đòi hỏi ASEAN phải tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới nếu muốn văn bản này thực sự có ý nghĩa. 

{keywords}
Tàu khu trục Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil

Viện dẫn phán quyết Tòa trọng tài

Một thách thức khác cho việc đàm phán COC là việc viện dẫn và tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016. Theo phán quyết này, cái gọi là “đường 9 đoạn” không hề có căn cứ pháp lý và cũng không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo, đủ để thiết lập quanh đó các EEZ và thềm lục địa, vì vậy phạm vi các khu vực tranh chấp và có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông đã được thu hẹp đáng kể. 

Việc tuân thủ phán quyết sẽ củng cố cam kết của các bên đối với UNCLOS, một văn bản luật quốc tế từng nhiều lần được nhấn mạnh trong tiến trình đàm phán COC.

Hơn thế nữa, phán quyết này chắc chắn sẽ khiến COC trở nên đáng tin cậy hơn, đối với cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. 

Nói như Tổng thống Philippines trong cuộc họp lần thứ 75 mới đây của Đại hội đồng LHQ: “Phán quyết giờ đây đã là một phần của luật quốc tế, vượt qua tất cả các thoả thuận cũng như các cách tiếp cận nhằm làm phai nhạt, giảm bớt hoặc từ bỏ (Phán quyết) của các chính quyền nhất thời”.

Vì thế, nếu COC không nhắc tới phán quyết này, khả năng các bên tham gia COC sẽ không thể ngăn cản được những vụ xâm phạm EEZ; về việc tàu chiến, tàu tuần duyên hăm dọa các tàu thăm dù hay cản trở hoạt động khoan dầu trong khu vực thuộc chủ quyền của các nước duyên hải, nơi được UNCLOS công nhận và bảo vệ.

Nếu tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài, những vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết một cách dễ dàng.  

Chính vì lẽ đó, yêu cầu COC bao gồm nội dung tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế; vận dụng quy định từ phán quyết của Toà Trọng tài; có sự ràng buộc pháp lý và mang tính thực chất sẽ được đặt ra.

Xem xét các tín hiệu từ Trung Quốc có thể dự đoán, họ sẽ không chấp nhận các nội dung này. Vì vậy, tiến trình đàm phán COC sẽ còn hết sức gập ghềnh.

ASEAN, với tư cách một khối thống nhất, cần sáng suốt cân nhắc chủ nghĩa hiện thực, và tránh bị sa đà vào sự dẫn dắt của Trung Quốc hay bất cứ cường quốc nào. Việc cả ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới COC là một điều cần hoan nghênh. Tuy nhiên, một COC tồi, chứ không phải việc đàm phán COC thất bại, sẽ khiến ASEAN đứng trước nhiều rủi ro hơn. 

Việt Hoàng (Giảng viên ĐH Luật TP.HCM, thành viên Ban nghiên cứu luật Biển và Hải đảo)

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc.