Lúc sinh thời, Bác Hồ quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là Đảng phải dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Quan điểm trên đây của Bác Hồ luôn có giá trị xuyên suốt, phổ quát. Thực tiễn cho thấy, một Đảng tiến bộ đến mấy cũng có lúc phạm sai lầm. Điều quan trọng là phải nhận ra sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, xác định đúng mục tiêu và con đường cách mạng phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.

Đặc biệt với Đảng ta được Hiến pháp quy định “…là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4, Hiếp pháp 2013). Vì vậy Đảng có sứ mệnh lịch sử đối với vận mệnh của Quốc gia và phồn thịnh của nhân dân.

Quốc gia hưng thịnh, văn minh hay không; nhân dân được tự do, hạnh phúc, thịnh vượng hay không là tùy thuộc vào mục tiêu, con đường mà Đảng lựa chọn. Gần 74 năm Đảng nắm quyền lãnh đạo Nhà nước đã minh chứng điều đó.

Để Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình thì vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đóng vai trò quyết định.

Trong phạm vi bài viết này, người viết bài xin nêu một số vấn đề có tính thực tiễn thuộc một số nguyên lý mà Chủ tịch Hồ Chí minh đã chỉ ra trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Xây dựng Đảng trong sạch, trung thành với lợi ích của nhân dân

Đây là vấn đề mang tính sống còn của Đảng cũng như sự thành bại đối với sứ mệnh mà Đảng gánh vác. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Tuân thủ quan điểm tư tưởng trên đây, Đảng đã tập hợp được quần chúng nhân dân, vượt qua những khó khăn, hiểm nguy trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc khi Đảng mới ra đời cũng như trong những ngày đầu giành chính quyền.

Lúc đó, số lượng đảng viên chỉ bằng khoảng 1/1000 bây giờ (năm 1945 chỉ có khoảng 5000 đảng viên) nhưng Đảng đã lãnh đạo dân tộc làm nên cách mạng tháng Tám, giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là những người có cương vị trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đã lạm dụng vị trí của mình để trục lợi, vơ vét cho bản thân và gia đình.

Hàng loạt cán bộ tham ô, tham nhũng kéo theo đó là hàng loạt đại án làm thất thoát của nhà nước hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ. Trong lúc đời sống của nhân dân đang khó khăn thì ở nhiều tỉnh thành, biệt thự, biệt phủ của quan chức thi nhau khoa trương. Những hình ảnh đó chẳng khác gì trêu ngươi nhân dân.

Đối tượng này vừa làm tổn thất một khối lượng tài sản rất lớn của quốc gia, vừa bào mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Rất may là Tổng Bí thư đã mở chiến dịch “đốt lò”, “cắt rễ tỉa cành, cây to mấy cũng phải đổ”.

Từ năm 2014 đến tháng 6/2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm. Trong đó, hơn 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.

“Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, chưa đầy 3 năm, có trên 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỉ luật. Trong đó, có tới 5 ủy viên Trung ương đương nhiệm, trên 20 tướng lĩnh Công an, Quân đội và nhiều Đại biểu Quốc hội. Gần đây nhất, có 3 Ủy viên Trung ương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật. Trong đó có 1 Phó Thủ tướng, hai tướng Quân đội."

Nhân dân đang rất tin tưởng phấn khởi vào những kết quả ban đầu đó, nhưng nhân dân cũng trong mong quyền lực phải được “nhốt vào lồng” cơ chế, chính sách để những kẻ muốn lạm dụng quyền lực để tham nhũng tiêu cực cũng không thể.

Nhà nước của nhân dân, vì lợi ích nhân dân

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng không có nghĩa nhà nước đó là của một bộ phận, của một nhóm người mà nhà nước là của dân, do dân, vì dân.

Người khẳng định: "Nước ta là một nước dân chủ”, “…Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".

Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh đã được hiến định vào Hiến pháp năm 1946: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” (Điều 1)

Quan điểm này vừa là chân lý vừa là nguyên lý xây dựng nhà nước thời đại văn minh. Quốc gia nào cũng vậy, chỉ khi nào nhà nước phải thực sự do dân bầu ra và quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân thì nhà nước đó mới là nhà nước của dân, mới mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Như vậy, nhân dân mới phụng sự nhà nước đó.

Trong lịch sử Việt Nam dưới thời lãnh đạo của Đảng, với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, khi đất nước mới giành độc lập, ngân khố Chính phủ trống rỗng, nhân dân đã sẵn sàng mang tiền, vàng ủng hộ Chính phủ, ủng hộ kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động thực tế của người dân nhiều tỉnh miền Trung.

Nhưng khi bước vào thời bình, một bộ phận quan chức vì mưu lợi cho cá nhân đã lợi dụng quyền lực, lấy danh nghĩa nhà nước xâm phạm thô bạo quyền lợi, tài sản, danh dự của người dân.

Nhiều vụ cưỡng chế đất đai, nhà cửa trái pháp luật; nhiều vụ ăn chặn tiền đến bù giải phóng mặt bằng, tiền trợ cấp xã hội… đã vi phạm nghiêm trọng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Một trong những ví dụ điển hình là vụ Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, làm hàng trăm hộ dân mất nhà, mất đất oan ức, kéo dài hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng cho quần chúng nhân dân noi theo

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người tham ô, hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó".

“Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Hiện nay, trên thực tế một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói một đường làm một nẻo. Cách hành xử như vậy không những làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của những cán bộ đó mà còn ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và của Đảng nói chung.

Đề cao và phát huy quyền tự do dân chủ

Một trong những vấn đề xây dựng Đảng cũng như xây dựng Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất là tự do dân chủ. Để phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ của nhân dân, chống tình trạng “độc quyền chân lý”, Người chỉ rõ:

Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”

Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, chỉ khi thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ thì tính sáng tạo của nhân dân mới thăng hoa và vai trò của họ mới được phát huy tối đa.

Từ phân tích trên đây, người viết bài đặt mấy vấn đề để cùng suy ngẫm:

Tại sao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta được nhân dân tin tưởng và đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước chúng ta lại gặp rất nhiều khó khăn?

Tại sao từ 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới, tuy đất nước đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng, nhưng hơn 30 năm vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, trong khi nhiều nước chỉ mất khoảng 20 năm?

Vì sao Việt Nam đã thực hiện mô hình kinh tế thị trường và hội nhập ở mức độ rất sâu rộng với kinh tế thế giới mà những hệ thống bên trong vẫn không thay đổi cho tương thích với những cải cách đó? Liệu mô hình tổ chức của chúng ta, như nhiều người đã phân tích là đang vận hành theo mô hình Xô Viết, có đang cản trở phát triển?

Hơn lúc nào hết, những nút thắt trên có thể được tháo gỡ trên quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; trên quy luật ‘cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng’ và hệ thống các quy luật của kinh tế thị trường mà Marx đã chỉ ra.

Nguyễn Huy Viện