Chỉ số PAPI vừa công bố cho thấy, dường như không có gì thử thách độ kiên trì và mức chịu đựng của người dân bằng các thủ tục hành chính.

Sáng nay, khi chuẩn bị đi làm, bà dì mới về hưu của tôi bảo, chở dì qua phòng tài nguyên huyện để hoàn thiện nốt giấy tờ sổ đỏ căn nhà.

Đây là lần thứ tư trong tháng, dì tôi phải đến phòng tài nguyên để làm thủ tục. Lần một nghe hướng dẫn, mang hồ sơ về điền. Lần hai, sửa vài điểm trong hồ sơ vì bảng hướng dẫn không rõ. Lần thứ ba bổ xung giấy tờ công chứng. Dì bảo “hy vọng hôm nay không phải quay về”.

Ở nước ta, dường như không có gì thử thách độ kiên trì và mức chịu đựng của người dân bằng các thủ tục hành chính cho dù nhà nước đã tìm rất nhiều phương thức để thay đổi. Vẫn còn nhiều thủ tục đến mức một người tháo vát cũng phải cần rất nhiều thời gian để có thể giải quyết công việc liên quan.

Với dì tôi, tiếc rằng, tới lần thứ tư, vẫn chưa xong thủ tục giấy tờ. Dì tôi thở dài, “giá như việc đi làm dịch vụ hành chính trở thành một loại hợp đồng”. Tức là, khi có một việc cần giải quyết, người dân sẽ ký một hợp đồng mua dịch vụ của cơ quan nhà nước theo biểu giá, và căn cứ vào đó, bên cung cấp dịch vụ sẽ có trách nhiệm để đảm bảo hợp đồng được thực hiện khi đầy đủ các yếu tố đầu vào.

Không khó để tìm thấy một ví dụ về chưa hài lòng của người dân khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền, nhất là khi họ phải cậy nhờ để giải quyết một số công việc hành chính.

{keywords}
Báo cáo PAPI cũng cho biết nếu như năm 2011, có tới hơn 9% số người đứng ra tố cáo các hành vi nhũng nhiễu, thì năm 2016, con số đó chỉ còn 3%.

Hôm qua, ngày 4/4, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng đã công bố Chỉ số PAPI 2016.

Được triển khai từ năm 2009, PAPI trở thành một công cụ hữu hiệu phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Phát biểu trong buổi công bố, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết “Chỉ số này cho thấy một bức tranh phức tạp về tính hiệu quả trong quản trị hành chính công, theo đó, hầu hết các địa phương đều có thể làm tốt hơn nữa để cải thiện tình hình thực thi và đạo đức công vụ hướng tới mục tiêu minh bạch, hiệu quả của các cơ quan hành chính”.

Điểm sáng nhìn từ khảo sát này có thể thấy rõ, là mức độ quan tâm của người dân đối với môi trường. Trả lời câu hỏi “vấn đề hệ trọng nhất năm 2016” thì môi trường chỉ xếp sau đói nghèo, với lượng người trả lời tăng thêm 10% so với năm 2015.

Năm nay, có 54% số người được hỏi trả lời rằng họ biết phải chạy chọt để có thể có việc làm trong các cơ quan nhà nước, năm 2015, con số đó là 51%, và trước đó 5 năm, năm 2011, con số chỉ là 46%. Cùng xu thế đó, có tới 38% số người được hỏi cho rằng phải chi thêm tiền để hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng 8% so với năm 2011.

Báo cáo PAPI cũng cho biết nếu như năm 2011, có tới hơn 9% số người đứng ra tố cáo các hành vi nhũng nhiễu, thì năm 2016, con số đó chỉ còn 3%. Năm 2011, nếu bị vòi vĩnh số tiền trên 5 triệu đồng, người dân đã đứng ra tố giác, tới 2016, số tiền phải trên 25 triệu mới bị nạn nhân xem là quá sức.

Theo định nghĩa của cơ quan tiến hành khảo sát, PAPI được xây dựng dựa trên triết lý cơ bản là coi người dân như người sử dụng dịch vụ hay khách hàng, còn cơ quan công quyền là bên cung ứng dịch vụ. Triết lý này không khác nhiều so với mong muốn ký hợp đồng dịch vụ của bà dì nghỉ hưu được nói ở phần đầu bài viết. Giao dịch chỉ trở nên thông đồng bén giọt, nếu như hai bên cam kết với nhau về mức độ hoàn thành và chi phí hai bên cùng thực hiện.

Trên thực tế, khi người dân đến cửa công để sử dụng một dịch vụ công, họ phải xin và chờ được cho, chứ không phải là họ “mua” và được “bán”. Và chỉ số PAPI xét cho cùng, cũng chỉ là một bản báo cáo dùng để tham khảo cho những bài viết như thế này.

Lại Trọng Tình