Mới đây, tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Hoàng, chủ đầu tư một nhà máy điện mặt trời ở Thanh Hóa. Ông không khỏi hoang mang khi gần nửa năm trôi qua, giá điện mặt trời sau 30/6/2019 vẫn chưa có.
“Tôi lo lắng, mong đợi từng ngày, từng giờ, từng phút về giá điện mặt trời mới mà không biết nói với ai, kêu với ai nữa”, ông Hoàng bộc bạch. Ông đã có thư gửi cả Thủ tướng lẫn Bộ Công Thương.
Rồi ông nói như trách: Sao họp Quốc hội không thấy đại biểu nào nói đến chuyện giá điện mặt trời cả. Trong khi cả nước và rất nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Ông Hoàng có lý do để lo âu. Công ty của ông đã triển khai dự án, đã giải phóng mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị, dự án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Giờ đây, ông mong ngóng giá điện từng ngày trong bối cảnh dự án đình trệ, ngân hàng tạm dừng giải ngân.
Điện mặt trời là nguồn điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem như một phương án “cứu” thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. |
“Tôi mong mỏi mãi giá điện hợp lý để làm tiếp mà lâu quá, Tôi mệt mỏi đến mức chóng mặt quá”, ông Hoàng sốt ruột.
Tình cảnh trên là không quá. Chính sách điện mặt trời từng thu hút biết bao nhiêu nhà đầu tư vào làm ăn, nhưng rồi lại trở nên khó đoán định, mông lung vì không có giá. Trước nóng bao nhiêu, thì giờ lạnh bấy nhiêu.
Thực tế, kể từ tháng 6/2019, Bộ Công thương đã đưa ra dự thảo giá điện mặt trời mới áp dụng sau ngày 30/6/2019. Phương án khi đó là Bộ Công Thương muốn chia làm 4 vùng giá (vùng ít bức xạ giá cao nhất, vùng bức xạ cao giá thấp nhất), thay vì chỉ 1 vùng như tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Nhưng, sau những ý kiến góp ý, những cuộc họp hành, Bộ Công Thương lại đưa ra phương án rút lại còn 2 vùng giá. Theo cách phân 2 vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) mỗi kWh với dự án điện mặt trời mặt đất.
Tưởng rằng phương án này sẽ được thông qua, thì đột ngột bị “tắc”. Bộ Công Thương lại chuyển từ phương án 2 vùng thành phương án 1 vùng giá với mức giá chỉ 1.620 đồng/kWh (thấp hơn nhiều mức giá 2.100 đồng/kWh áp dụng cho dự án vận hành trước tháng 7/2019) áp dụng cho cả nước, không phân biệt vùng miền.
Nhưng phương án 1 vùng này lại cũng chưa phải là cuối cùng. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương lại được yêu cầu về nghiên cứu phương án đấu thầu dự án điện mặt trời như Campuchia đã làm.
Hình thức đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án giúp công khai, minh bạch và đã giúp Campuchia thu được kết quả rất tốt khi giá trúng thầu cuối cùng là 3,877 UScents/kWh (800-900 đồng/kWh), bỏ xa mức giá trần được đặt ra ban đầu là 7,6 UScents/kWh.
Nhưng có nhiều sự thật sau giá đấu bên Campuchia. Một chuyên gia trong ngành điện cho biết: Để có được giá đấu thầu thành công thấp như vậy, Campuchia đã làm 4 việc: Bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; làm đường dây truyền tải, trạm biến áp cho nhà đầu tư; dự án được vay lãi suất thấp của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á; bức xạ tốt hơn, nắng nhiều hơn Việt Nam.
Đấu thầu là phương án tốt, Việt Nam có thể làm được vậy hay không? Làm được, nhưng e rằng “rừng thủ tục” có thể khiến một dự án đem vào đấu giá chậm trễ đáng kể, đặc biệt liệu địa phương có tiền dành cho giải phóng mặt bằng hay không?
Xét cho cùng, phương án 4 vùng, 2 vùng, 1 vùng hay đấu thầu đều có ưu nhược riêng. Nhưng điều quan trọng là vì sao một chính sách cần được khuyến khích như điện mặt trời lại chậm trễ có giá mới sau ngày 30/6/2019 đến vậy.
Trong khi đó, điện mặt trời là nguồn điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem như một phương án “cứu” thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. Do Bộ Công Thương không đủ lập luận để bảo vệ các phương án của mình, hay do những tính toán khác nhau của những người có trách nhiệm?
Sự thận trọng là cần thiết, nhưng thận trọng đến mức làm “tắc” cả dòng chảy đầu tư vào nguồn năng lượng được khuyến khích này là điều cần suy nghĩ.
Ở góc độ môi trường kinh doanh, việc mức giá điện mặt trời sau 30/6 chưa có đã tạo khoảng trống mênh mông, khiến nhiều nhà đầu tư e dè về khả năng lập dự án mới. Nó cũng khiến cho những nhà đầu tư như ông Lê Văn Hoàng bỏ tiền ra làm dự án, rồi phải nhìn đống tài sản dang dở đó “đắp chiếu”, hao hụt từng ngày. Nhiều dự án có vốn đầu tư 100% của nước ngoài cũng đang lâm cảnh tương tự, như dự án của Công ty TNHH GA Power Solar Park (Đức) ở Hà Tĩnh chẳng hạn.
“Doanh nghiệp ngồi trên đống lửa mà gần nửa năm rồi không có giá điện”, ông Lê Văn Hoàng kết thúc cuộc trò chuyện trong âu lo và thất vọng. Tâm sự của ông đại diện cho nhiều doanh nghiệp trong ngành mà tôi có dịp trao đổi. Thật buồn cho họ.
Lương Bằng