Hồi đầu năm nay, khi Trung Quốc cho thông qua luật Hải cảnh sửa đổi, dư luận thế giới đã cảm thấy lo ngại, nhất là khi câu chữ trong luật này thể hiện một cách mập mờ. Đây là cách Trung Quốc đã duy trì khá lâu, như “đường lưỡi bò”. 

Trong luật Hải cảnh, phạm vi áp dụng cho “lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền hàng hải và thực thi pháp luật trong và trên vùng biển thuộc quyền tài phán của CHND Trung Hoa”. Trong dự thảo luật được công bố vào tháng 11/2020, tại điều 74, “vùng biển thuộc quyền tài phán” được giải thích là “vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của CHND Trung Hoa”.

Mơ hồ câu chữ

Tuy nhiên, đến khi luật Hải cảnh được chính thức thông qua, thì việc giải thích  về “vùng biển thuộc quyền tài phán của CHND Trung Hoa” đã không còn. Điều này khiến thuật ngữ “vùng nước thuộc thẩm quyền của CHND Trung Hoa” không được xác định. Và phía Trung Quốc sẽ tuỳ thích giải thích vấn đề này như thế nào theo ý định của họ. 

Nước này cũng úp mở nhắc tới tuyên bố quyền tài phán đối với 3 triệu km2 không gian hàng hải, thường được gọi là “lãnh thổ quốc gia xanh” của họ. Khu vực này bao gồm vịnh Bột Hải; một phần lớn của Hoàng Hải; biển Hoa Đông đến tận vùng biển phía Đông của Vùng lõm Okinawa, bao gồm các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp; và tất cả các vùng nước trong “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

{keywords}
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Sino Defense

Theo tính toán riêng của Bắc Kinh, “hơn một nửa” không gian này đang bị các nước khác tranh chấp.

Sự mập mờ này của Trung Quốc không chỉ riêng đối với luật Hải cảnh, mà còn xuất hiện ở rất nhiều văn bản luật khác.

Theo một số phương tiện truyền thông, giới chức Trung Quốc ngày 29/8 cho biết sẽ yêu cầu một loạt tàu "báo cáo thông tin" khi đi qua khu vực mà Trung Quốc coi là "lãnh hải" của nước này, bắt đầu từ ngày 1/9/2021.

Việc ra thông báo này liên quan đến luật An toàn giao thông hàng hải mà Trung Quốc thông qua hồi tháng 4 năm nay.

Luật này có điều 54 đáng lưu ý, và hoàn toàn là điều luật mới so với các bản dự thảo trước đây. Trong đó quy định rõ “các phương tiện tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc".

Quy định nói trên hạn chế các phương tiện đi vào lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên, trong điều 117 giải thích các từ ngữ của luật này lại cũng không đưa ra giải thích rõ “lãnh hải” của Trung Quốc được quy định như thế nào, có dựa trên quy định về “lãnh hải” vốn là vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở như trong quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS) hay không.

Điều đáng lo ngại là khi trả lời báo chí, chuyên gia Tống Trung Bình từ quân đội Trung Quốc cho rằng: “Yêu cầu thông báo trước này sẽ tiêu chuẩn hóa việc quản lý lãnh hải của đất nước, cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền và đảm bảo an toàn của Trung Quốc”.

Tống Trung Bình cũng cho biết: “Quy định mới áp dụng cho lãnh hải của Trung Quốc - bao gồm Biển Hoa Đông, Biển Đông và các đảo và đá ngầm của Trung Quốc - để điều chỉnh việc quản lý của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải đó”.

Ngoài ra, luật này cũng quy định bất kỳ tàu nào bị xem là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải báo cáo thông tin, bao gồm tên, biển báo, vị trí hiện tại, cảng đến kế tiếp và thời gian đến dự kiến. Các tàu cũng sẽ phải cung cấp thông tin về hàng hóa và tải trọng của tàu.

Báo chí đại lục lưu ý rằng, Cục An toàn hàng hải “có quyền xua đuổi hoặc từ chối cho phép tàu tiến hành vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu đó bị cho là đe dọa an ninh quốc gia”.

Tham vọng lớn nhất

Một câu hỏi nhiều người sẽ đặt ra là: Trung Quốc duy trì sự mập mờ trong các văn bản luật đó để làm gì?

Chúng ta đều biết, tham vọng lớn nhất của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, họ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để có thể hỗ trợ cho tham vọng này. Trung Quốc cũng không thể sử dụng vũ lực để chiếm đoạt Biển Đông vì họ sẽ gặp nhiều bất lợi.

Chính vì vậy, Trung Quốc đã áp dụng điều mà các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là “chiến thuật vùng xám”, tức là dùng các biện pháp đe doạ, áp chế, thậm chí là tấn công nhưng không trực tiếp sử dụng Hải quân. Bởi vì theo luật quốc tế, khi sử dụng quân đội tham dự, điều đó sẽ bị coi là “xâm chiếm bằng vũ lực”, sẽ là vi phạm Hiến chương LHQ và bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trung Quốc cũng phải tìm lý do cho các “hoạt động vùng xám” của mình, và bởi vì không có cơ sở trong luật quốc tế, nên nước này phải tự đặt ra các quy định trong nội luật. Chính vì vậy, Trung Quốc đã cố tình duy trì sự mập mờ trong các văn bản luật, để có cớ giải thích cho các hành động hung hăng, bất chấp công lý.

Ứng phó chiến lược

Để bảo vệ các lợi ích biển của mình trước chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, Việt Nam cần sử dụng biện pháp tổng hợp cả về ngoại giao, pháp lý và trên thực địa. Đó là:

Việt Nam cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò tích cực trong khối ASEAN để thúc đẩy quá trình đàm phán COC, hướng tới một COC hiệu quả, thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế. COC phải có sự ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó cần nêu rõ các nước không được xây dựng đảo nhân tạo; không được quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các cường quốc trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo.  Lực lượng hải quân nên mở rộng tham gia diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới đối tác ở khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam cần tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ các lợi ích biển của mình, phân tích rõ ý đồ trong "chiến thuật vùng xám", làm rõ những nguy cơ khiến Biển Đông căng thẳng từ các hành động của Trung Quốc ra sao.

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư... cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị, để trên thực địa chúng ta không bị động, bất ngờ.

Chúng ta cũng cần duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động trên biển, để góp phần khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Và cơ quan chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ người dân khi cần thiết.

Chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là chúng ta hướng tới việc phát triển thành đất nước có kinh tế biển giàu mạnh.

Việt Hoàng

Ứng phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông

Ứng phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông

Các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh.