Hết năm 2014, VNPT đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình tổ chức SXKD giai đoạn 1 tại 63 viễn thông tỉnh/thành, theo hướng tách riêng hoạt động của khối kinh doanh với kỹ thuật, mạng lưới để chuyên môn hóa các đơn vị trực thuộc.

Theo Báo cáo tổng kết hoạt động 2014 được VNPT công bố sáng nay, 15/1, Tập đoàn này cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu, ngay từ 1/8, công việc sắp xếp lại các viễn thông tỉnh đã được gấp rút tiến hành, hướng tới mô hình tổ chức kinh doanh mới gọn nhẹ, năng động và chuyên nghiệp hơn. Đây chính là bước khởi động quan trọng cho giai đoạn triển khai tái cơ cấu bởi vai trò trọng yếu của các viễn thông tỉnh đối với VNPT.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Mạnh.

Đặc biệt, vào ngày 31/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý cho VNPT thành lập 3 Tổng công ty Hạ tầng mạng, Dịch vụ viễn thông và Truyền thông theo như Đề nghị của Bộ TT&TT. Với việc thành lập 3 Tổng công ty này, VNPT sẽ chính thức bước vào giai đoạn 2 của Tái cơ cấu.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho hay, mặc dù bận rộn tái cơ cấu song Tập đoàn vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính cơ bản như đạt tổng doanh thu 101.055 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, bằng 106% năm 2013; tổng lợi nhuận đạt 6.310 tỷ, đạt 103% kế hoạch, bằng 112% năm 2013; tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.850 tỷ, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 118% năm 2013…

Những kết quả này cho thấy quá trình tái cơ cấu đang đi đúng hướng và tạo ra hiệu ứng tích cực, chuyên biệt hóa được hai khối Kinh doanh và Kỹ thuật, ngoài ra một phần là nhờ VNPT đã chủ động dự báo, kịp thời điều chỉnh các mục tiêu chung, định hướng giúp các đơn vị xây dựng và điều hành SXKD theo sát thị trường, tập trung vào các dịch vụ mũi nhọn như dịch vụ data và Giá trị gia tăng, phát triển thuê bao, dịch vụ băng rộng cố định (đặc biệt là FTTx).

Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đẩy mạnh bán sản phẩm dịch vụ trọng yếu đến tận tay người tiêu dùng bằng việc phát triển hệ thống kênh phân phối tại các đơn vị thành viên đến tất cả các phường, xã; chính thức đưa tổng đài bán hàng 18001166 vào hoạt động từ tháng 5/2014.

Mạng di động VinaPhone, một trong những trụ cột doanh thu chủ lực của VNPT trong năm 2014 đã tăng trưởng 14% doanh thu so với năm 2013, phát triển mới được 8,8 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao toàn mạng lên 26 triệu. Một mảng thị trường mới đang được VNPT đẩy mạnh đầu tư là sản xuất thiết bị đầu cuối, với những sản phẩm như SmartBox, Smartphone Vivas Lotus... Tập đoàn cũng ký kết hợp tác chiến lược với hơn 40 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố và một số bộ ngành về xây dựng hạ tầng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong quản lý, điều hành trong năm tái cơ cấu đầu tiên.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tham quan gian hàng trưng bày các công nghệ của VNPT tại Hội nghị. Ảnh: T.Q

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng cho rằng, những tồn tại và thách thức vẫn còn rất nhiều, nhất là khi năm 2015 được dự báo là nhu cầu ứng dụng CNTT - Viễn thông tại Việt Nam sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2014. Ông Hùng cho rằng việc phát triển dịch vụ mới còn chậm do nguồn lực bị phân tán ở các đơn vị đang tái cơ cấu, hệ thống nhà trạm chưa đồng bộ, tổ chức lao động trong lĩnh vực CNTT - phần mềm còn mỏng và thiếu, mức lương chưa tương xứng....

Do đó, định hướng của Tập đoàn trong năm 2015 sẽ là tập trung tái cơ cấu, dồn lực cho những dịch vụ có khả năng sinh lời cao như di động, băng rộng, truyền hình trả tiền, tối ưu hóa chi phí...., ông Hùng nhấn mạnh. Đồng thời, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ GTGT, tăng cường hợp tác kinh doanh với các đối tác chiến lược đã ký cũng như tích cực tìm kiếm các đối tác mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ rằng quá trình tái cơ cấu VNPT kéo dài hơn 15 tháng và gặp nhiều khó khăn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện tái cơ cấu một tập đoàn bưu chính viễn thông lớn như vậy, chưa có tiền lệ và cũng còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, cũng ít có Tập đoàn nào tái cơ cấu lại được Chính phủ theo sát và được xã hội quan tâm như VNPT.

Do đó, việc VNPT cần làm hiện nay là gấp rút thành lập 3 Tổng công ty, triển khai thành công Đề án tái cơ cấu nhưng đồng thời phải đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, nộp ngân sách Nhà nước....

Trọng Cầm