Tôi năm nay 33 tuổi, đang làm startup trong ngành Marketing, còn vợ tôi ít hơn 5 tuổi, là nhân viên của một ngân hàng tại Hà Nội. Hai vợ chồng tôi mới kết hôn năm ngoái và vừa đón con đầu lòng.
Là người "nhà quê lên tỉnh", xuất phát điểm thấp nên trước khi lập gia đình, tôi đã cố gắng xây dựng sự nghiệp thật tốt, đồng thời tích luỹ tài chính để làm những việc lớn. 3 năm trước, tôi đã "tậu" được chiếc ô tô đầu tiên của mình. Chiếc xe vừa là công cụ để phục vụ công việc, vừa dùng để thỉnh thoảng về quê thăm bố mẹ và sau này phục vụ gia đình, vợ con.
Vợ tôi tuổi còn trẻ nhưng là người chín chắn và thoáng tính nên cuộc sống sau hôn nhân khá suôn sẻ. Hễ có việc gì cả hai vợ chồng lại cùng bàn bạc để đưa ra quyết định, hầu như không to tiếng với nhau bao giờ. Tuy nhiên, mấy ngày nay gia đình tôi đang trải qua sóng gió vì chuyện em vợ muốn mượn ô tô đi chơi dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch.
Cho mượn xe hay không vẫn là nỗi đau đầu với nhiều người. (Ảnh minh hoạ) |
Cậu em vợ tôi 23 tuổi, ra trường năm vừa rồi nhưng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa xin được việc làm ổn định. Rất may, trong thời gian học online, cậu em tôi đã đi tranh thủ đi học lái xe và có bằng lái cách đây vài tháng.
Tôi cũng rất ủng hộ và cho rằng, là con trai thì nhất định phải biết lái xe, nếu có bằng lái từ sớm là một lợi thế. Do vậy, tôi thường đưa xe cho mượn để tập lái, đi lại trong phố cho quen tay.
Các đây 2 hôm, vợ tôi nói là cậu em gọi điện mượn xe 3-4 ngày để cùng các bạn tự lái đi chơi ở Tây Bắc. Dù Tết Dương lịch này tôi không về quê hay có kế hoạch đi đâu, tuy nhiên, khi được vợ "thông báo" như vậy, tôi đã quyết liệt từ chối.
Thú thật, chiếc xe đối với tôi là tài sản lớn sau nhiều năm "cày cuốc", không thể nói mượn là mượn dễ dàng như vậy được. Dù gì cậu em vợ tôi vẫn là lái mới, chưa có kinh nghiệm đi xa. Đặc biệt, cung đường đi Tây Bắc thì đến những người lái xe nhiều năm như tôi đôi khi còn thấy run tay.
Từng trải qua tuổi trẻ nên tôi hiểu rõ, ở độ tuổi như em vợ tôi, tâm lý thích thể hiện là không thể tránh khỏi. Khi lái xe chở bạn bè, biết đâu cậu ấy lại nổi hứng sĩ diện chạy xe với tốc độ cao hoặc vượt xe trái quy định. Nhiều vụ tai nạn gần đây do vượt ẩu, lỗi nhầm chân ga mà lái xe chủ yếu là thanh thiếu niên lại càng làm tôi thêm suy nghĩ.
Tôi giải thích với vợ nhưng ý kiến của cô ấy lại trái ngược hoàn toàn. Vợ tôi cho rằng, kinh nghiệm lái xe đâu phải tự nhiên mà có, đã mới lái thì lại càng phải cho lái nhiều mới có kinh nghiệm. Hơn nữa, chuyến đi đã được bọn trẻ lập kế hoạch, xe mình không đi đến thì cho em mượn để chúng có được kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ, đâu có mất mát gì.
Sau một hồi "to tiếng", cô ấy quy chụp cho tôi là keo kiệt với em vợ, rằng tôi tiếc của, yêu quý xe của mình hơn cả em ruột của vợ nên mới giữ khư khư "đống sắt" ở nhà,...
Có lẽ, tôi vẫn sẽ ngậm ngùi cho em vợ mượn xe đi chơi cho "yên cửa yên nhà", dù rằng trong lòng vẫn rất bất an.
Độc giả Bùi Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội)
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận hoặc gửi về Ban Ô tô Xe máy - Báo VietNamNet qua địa chỉ email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Mua ô tô cũ đi Tết, có nên "tậu" xe ngay từ bây giờ?
Mua ô tô cũ ngay bây giờ để có nguồn cung dồi dào, nhiều sự lựa chọn hay để đến cận Tết mới mua sẽ có lợi về giá hơn?