Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm ngày Bác Hồ vượt trùng khơi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022), Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ công diễn vở sân khấu Nợ nước non - phần 1 bộ sử thi nghệ thuật Nước non vạn dặm của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.

Đây là phần đầu dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam. Đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ cho hay, ông không làm công việc chép sử mà chỉ thể hiện những lát cắt và dấu mốc từ khi thơ bé của cậu bé Nguyễn Sinh Cung cho đến lúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Vậy nên, với thời lượng 120 phút, những lát cắt tiêu biểu trong 20 năm đầu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ekip dàn dựng chọn lọc đưa vào Nợ nước non.

Giữa mùa sen tháng 5 tại Hoàng Trù quê mẹ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời trong vòng tay hạnh phúc của ông bà ngoại và cha mẹ. Sau nhiều biến động, năm 1901, mẹ Nguyễn Sinh Cung - bà Hoàng Thị Loan - qua đời ở Huế, khi chồng và con trai đầu đi công vụ ở xứ Thanh. Nguyễn Sinh Nhuận - em trai Nguyễn Sinh Cung - cũng mất không lâu sau đó vì đói khát, ốm đau. 

Bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là khi người cha - ông Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê, Bình Định - bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo, khích lệ tinh thần yêu nước... Khi cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở trường Dục Thanh.

Cảnh trong vở diễn 'Nợ nước non'.

Sau đó, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Sài Gòn, đến trụ sở Liên Thành Thương Quán. Đây là tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Tại đây, Nguyễn Tất Thành tìm kiếm cơ hội lên tàu sang Pháp, tìm đường cứu nước.

Vở diễn là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Đạo diễn đã chắt lọc, lựa chọn những bài có thể kết hợp hai loại hình, hòa quyện vào nhau. Khi nghệ sĩ đang hát ví giặm, chuyển qua vọng cổ, vẫn rất nhuần nhuyễn. “Một vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy chất thơ, trang trọng, thành kính", một khán giả nhận xét. 

Theo NSND - đạo diễn Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở sân khấu khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (nghệ sĩ Minh Hải), cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan (nghệ sĩ Như Quỳnh), cha Nguyễn Sinh Sắc (NSƯT Mạnh Hùng)… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam.

Vở diễn đã thể hiện rõ sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của thanh niên Nguyễn Tất Thành. 

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, phần 2 và phần 3 của tác phẩm dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023 - 2024 với tên gọi Lênh đênh bốn biểnNgười về. Tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế…

Tình Lê