Viện kiểm sát kháng nghị toàn bộ bản án
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2024/DSST ngày 20/3/2024 của TAND TP. Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) về việc “Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (SN 1974, trú tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và bị đơn là Vietcombank Kinh Bắc, hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận một phần khởi kiện của bà Chúc, buộc Vietcombank Kinh Bắc phải bồi thường cho khách hàng 700 triệu đồng trong tổng số 11,9 tỷ đồng khách hàng bị mất sau khi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán.
Sau bản án trên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Từ Sơn đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKS-DS, kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của tòa án cùng cấp, đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm.
Trong quyết định kháng nghị, VKSND TP. Từ Sơn cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP. Từ Sơn chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là “chưa đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, vi phạm Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Bản án sơ thẩm nhận định: “Mặc dù Vietcombank đã đăng trên trang điện tử và niêm yết công khai tại Chi nhánh Kinh Bắc nhưng với hình thức công khai này, địa điểm đặt bảng niêm yết không thuận lợi để khách hàng tiếp cận. Như vậy, việc niêm yết chỉ có ý nghĩa hình thức.
Trước và trong quá trình giao kết hợp đồng, bà Chúc đã không đọc những nội dung của điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng tài khoản tại Vietcombank. Nhân viên ngân hàng cũng không hướng dẫn bà Chúc tiếp cận văn bản trước, trong quá trình ký kết hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bà Chúc mất tiền trong tài khoản.”
Bà Chúc hiện kinh doanh mua bán sắt thép đồng thời làm quản lý tại một trường mầm non tư thục tại TP. Từ Sơn.
Đây không phải lần đầu bà mở tài khoản thanh toán tại Vietcombank. Bà cũng đang sở hữu tài khoản tại ngân hàng khác. Do đó, HĐXX cho rằng bà biết rõ về cách mở và sử dụng tài khoản.
Hơn nữa, khi thực hiện mở tài khoản, tại trang 04 của hợp đồng, phần “cam kết khách hàng” đã được bà Chúc ký xác nhận đã đọc và hiểu rõ nội dung của “điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Vietcombank; điều khoản và điều kiện về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân; điều khoản và điều kiện sử dụng phương thức xác thực của khách hàng cá nhân... ”.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, từ 16h28’ ngày 22/4/2022 đến 6h07’ ngày 25/5/2022, tài khoản của khách hàng đã phát sinh các giao dịch chuyển đi 11,9 tỷ đồng. Các giao dịch này đều được thực hiện theo phương thức xác thực giao dịch là Smart OTP.
VKSND xác định hạn mức giao dịch trong ngày đúng quy định, không có căn cứ xác định Vietcombank có lỗi trong việc thực hiện dịch vụ ngân hàng điện tử vượt quá hạn mức giao dịch, dẫn đến bà Chúc bị kẻ gian chiếm đoạt 11,9 tỷ đồng.
Trong thời gian nói trên, không có lần nào bà Chúc thực hiện đăng nhập ứng dụng VCB Digital trên thiết bị di động để kiểm tra, theo dõi biến động số dư.
“Như vậy, chưa có đủ căn cứ để xác định Vietcombank có lỗi trong việc bà Chúc bị mất số tiền 11,9 tỷ đồng trong tài khoản để buộc ngân hàng phải bồi thường”, VKSND nêu quan điểm.
Cũng theo cơ quan này, bản án đã không nhận định lỗi cụ thể của Vietcombank, thiệt hại của bà Chúc và nhận định mức bồi thường mang tính ước lượng 5-6%, nhưng quyết định lại là số tiền 700 triệu đồng là không đúng quy định tại Điều 584, 585 và 589 Bộ luật Dân sự.
Bản án nhận định Vietcombank đặt bảng quy định về điều khoản, điều kiện mở tài khoản tại nơi “chưa dễ nhìn” là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bà Chúc bị mất tiền trong tài khoản.
Nhưng bản án không đánh giá lỗi của ngân hàng do việc bà Chúc không được biết về điều này là lỗi như thế nào, bao nhiêu %. Lỗi đó có phải đã gây thiệt hại, khiến bà Chúc mất toàn bộ số tiền trong tài khoản hay không, từ đó xác định mức độ thiệt hại của bà Chúc là bao nhiêu và mức độ bồi thường.
Việc bản án nhận định mức bồi thường 5-6% tổng giá trị thiệt hại, tức là từ 595-714 triệu đồng, nhưng khi quyết định lại buộc Vietcombank bồi thường 700 triệu đồng là “không có căn cứ”.
“Trong trường hợp xác định Vietcombank có lỗi thì phải xác định lỗi của ngân hàng là bao nhiêu, lỗi đó đã gây thiệt hại cho bà Chúc là bao nhiêu để tuyên buộc ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho phù hợp”, VKSND nêu quan điểm.
Vietcombank nói gì trong đơn kháng cáo?
Cùng với quyết định kháng nghị của VKSND, Vietcombank thông qua đại diện được ủy quyền là Vietcombank Kinh Bắc đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc.
Trong đơn kháng cáo, Vietcombank Kinh Bắc cho rằng “bản án có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật và tình tiết khách quan của vụ án, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Vietcombank, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Vietcombank và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung”.
"Ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy định của NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, niêm yết thông tin/tài liệu theo đúng quy định, thực hiện đầy đủ các quy định về mặt nghiệp vụ chuyên môn khi tư vấn thủ tục và lập hồ sơ mở tài khoản, cung cấp dịch vụ cho khách hàng" - đơn kháng cáo của Vietcombank Kinh Bắc nêu.
Nhân viên Vietcombank đã thực hiện đúng quy định pháp luật khi tiếp nhận, tư vấn, mở tài khoản cho bà Chúc và bà Chúc đã ký tên, xác nhận đã đọc, hiểu rõ và đồng ý với toàn bộ nội dung của điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tại Vietcombank.
Cũng theo ngân hàng, việc cập nhật những thủ đoạn lừa đảo mới của kẻ gian để hướng dẫn, cảnh báo người dân không phải là nghĩa vụ của ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, ngân hàng đã thường xuyên có những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của kẻ gian thông qua các bản tin của ngân hàng cũng như qua các thông báo trên ứng dụng VCB Digital.