Cameroon đã phát hiện hai trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg tại Olamze, vùng gần với Guinea Xích Đạo. Trước đó, Guinea Xích Đạo tuyên bố đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg, căn bệnh tương tự Ebola, vào ngày 13/12. 

Theo Reuters, nước láng giềng Cameroon đã hạn chế di chuyển dọc biên giới để tránh lây nhiễm. "Ngày 13/2, chúng tôi có hai trường hợp nghi ngờ mắc virus Marburg. Hai bệnh nhân đều 16 tuổi, một nam và một nữ, chưa từng đến các khu vực có người bị bệnh ở Guinea Xích đạo", đại biểu y tế công cộng của khu vực, Robert Mathurin Bidjang, thông báo. 42 người tiếp xúc với 2 bệnh nhân trên đã được xác định danh tính.

Virus Marburg có thể gây ra nhiều triệu chứng nặng. Ảnh minh họa: Vg

WHO thông báo họ đang tăng cường giám sát dịch tễ học ở Guinea Xích Đạo. Quốc gia nhỏ bé ở Trung Phi đã báo cáo 9 trường hợp tử vong và 16 ca nghi ngờ nhiễm virus Marburg, với các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy.

George Ameh, đại diện quốc gia của WHO tại Guinea Xích Đạo, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch ứng phó trong 30 ngày”. Nước này chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới trong vòng 48 giờ qua. 

Virus Marburg gây ra bệnh truyền nhiễm cao có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Hiện không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt để điều trị bệnh này.

Ngày 13/2, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đánh giá một số ứng cử viên vắc xin có thể được sử dụng trong đợt bùng phát. 

Những người tham dự thảo luận về 5 loại vắc xin chống lại virus Marburg trong các nghiên cứu trên động vật. Ba nhà phát triển vắc xin - Janssen Pharmaceuticals, Public Health Vaccines và Sabin Vaccine Institute - chia sẻ, họ có thể cung cấp vắc xin để thử nghiệm trong đợt bùng phát hiện tại.

Theo NBC, vắc xin của Janssen và Sabin đã trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Public Health Vaccines có tác dụng chống lại virus trên khỉ và đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép thử nghiệm trên người.

WHO cho biết bước tiếp theo của họ là triệu tập một nhóm chuyên gia độc lập để chọn ứng cử viên vắc xin nào được ưu tiên. 

Nhưng một số người tại cuộc họp chỉ ra rằng có thể không có đủ số ca mắc bệnh trong đợt bùng phát này để đánh giá chính xác hiệu quả của vắc xin. 

John Edmunds, Giáo sư dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London (Anh), nhận định: “Nếu bạn nhìn vào lịch sử, những đợt bùng phát Marburg thường khá nhỏ và các biện pháp can thiệp đã hạn chế quy mô của chúng”. 

Marburg cùng họ virus với Ebola. Cả hai đều có đặc điểm là sốt xuất huyết do virus, gây chảy máu trong và tổn thương nhiều hệ thống cơ quan.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người nhiễm virus Marburg thường khởi phát sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, sau đó là phát ban, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau họng, đau ngực, đau bụng. 

Virus Marburg có thể lây lan qua máu, chất dịch cơ thể hoặc đồ vật hoặc bề mặt bị ô nhiễm. Các đợt bùng phát trước đây, chủ yếu ở châu Phi, có tỷ lệ tử vong từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và khả năng kiểm soát lây truyền của từng nước.