Như VietNamNet đã đăng tải trong bài viết "Chủ ô tô Mazda3 bị đánh cắp khổ sở 'khai sinh lại' cho chính chiếc xe của mình", sau gần 4 tháng được Cục Thi hành án Dân sự TP. Hà Nội trả lại theo phán quyết của Toà án Nhân dân TP. Hà Nội, anh Lê Minh Hoàng (SN 1986, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) - chủ chiếc Mazda3 bị đánh cắp vẫn chưa thể "danh chính ngôn thuận" sử dụng xe bởi liên tục bị phía cảnh sát giao thông (CSGT) từ chối tiếp nhận thủ tục đăng ký lại.
Phán quyết của toà án cần được lấy làm cơ sở vận dụng
Tiếp tục chia sẻ sự việc của mình tới VietNamNet, anh Hoàng cho biết, sau khi nhận lại xe từ Cục Thi hành án, đã nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lại từ tháng 4/2023, thế nhưng đến nay đã là 3 tháng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu từ phía cơ quan quản lý đăng ký xe. Điều này đồng nghĩa với việc, chiếc ô tô của anh chỉ nằm một chỗ chẳng thể sử dụng.
Mới đây nhất, vào chiều ngày 3/7 vừa qua, anh đã được cán bộ của Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) mời lên trụ sở Cơ sở Đăng ký xe số 3 (đường Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông, Hà Nội) làm việc. Tuy vậy, nội dung trao đổi của đại diện Phòng CSGT vẫn khiến anh thất vọng.
"Đồng chí tiếp nhận hồ sơ của tôi vẫn chỉ nói là đang cố gắng tìm hướng giải quyết, nhưng không rõ cách giải quyết là như thế nào. Tôi đề nghị trả lời bằng văn bản thì phía CSGT có ý lảng tránh", anh Hoàng bức xúc.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, chỉ huy của Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng đã khẳng định, trường hợp đã cắt hàn số khung số máy như của anh Hoàng là không thể đăng ký lại được bởi quy định hiện hành không cho phép.
"Khoản 1, Điều 18 Thông tư 58/2020/TT-BCA nêu rõ, xe bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung thì không giải quyết đăng ký. Thế nên dù rất muốn nhưng chúng tôi không thể làm sai quy định được", vị này cho biết.
Tuy phía cơ quan chức đã trả lời đối với chiếc xe đã cắt hàn số khung số máy là không thể đăng ký lại, nhưng một số chuyên gia pháp lý cho rằng, trường hợp này anh Hoàng là người bị hại, đã có phán quyết của toà án, do vậy hoàn toàn có thể vận dụng để giải quyết.
Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luât sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, việc xử lý các vấn đề liên quan đến chiếc xe sẽ thực hiện theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực của pháp luật. Nếu không có lỗi của bị hại (là anh Hoàng) thì phải làm thủ tục công nhận quyền sở hữu của họ đối với phương tiện bị chiếm đoạt trái phép.
"Ở đây, quyết định của Toà án Nhân dân TP. Hà Nội ngày 24/11/2022 đã nêu rõ: "trả lại cho anh Lê Minh Hoàng chiếc xe ô tô được mô tả chi tiết, cụ thể trong Biên bản về bàn giao nhân vật chứng, tài sản ngày 08/9/2022 tại khu vật chứng Cục Thi hành án sân sự, thành phố Hà Nội".
Trong biên bản bàn giao có nêu rõ đặc điểm cũng như số khung số máy của chiếc xe, đây chính là cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm công nhận quyền sở hữu tài sản đối với anh Hoàng", luật sư Kiên nói với PV VietNamNet.
Cần thiết phải chỉnh sửa, bổ sung quy định "cắt hàn số khung số máy"
Phân tích sâu hơn về trường hợp này, luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, phía cơ sở đăng ký xe của CSGT hoàn toàn có thể vận dụng theo khoản 5, Điều 18 (thuộc Mục E - hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể) Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Cụ thể, khoản 5 nêu rõ: "Xe có quyết định tịch thu hoặc có quyết định xử lý vật chứng ghi có số máy, số khung, nhưng quá trình bảo quản xe lâu ngày dẫn đến số máy hoặc số khung bị ăn mòn, bị mờ, hoen gỉ hoặc cơ quan giám định kết luận số máy, số khung bị đục, bị tẩy xóa hoặc không xác định được số khung, số máy nguyên thủy thì cho đóng lại số theo số của biển số xe".
"Với trường hợp của anh Hoàng, phán quyết của toà án cũng như giám định của Viện Khoa học hình sự đối với chiếc Mazda3 BKS 30G-027.73 có nêu nội dung "số khung, số máy được đóng trên miếng kim loại khác hàn ghép vào xe, không xác định được số khung, số máy nguyên thuỷ theo xe". Như vậy, phía CSGT hoàn toàn có thể áp dụng theo khoản 5, thực hiện các thủ tục đóng lại số để đăng ký lại mà không sợ bị làm sai", luật sư Kiên phân tích.
Ngoài ra, vị luật sư này còn cho rằng, quy định "xe bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung thì không giải quyết đăng ký" tại khoản 1, Điều 18 Thông tư 58 kể trên đang khá bất cập, khiến những xe không may bị "chồng xác" như vụ việc của anh Hoàng khó đăng ký lại nếu không được các cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý.
Cùng quan điểm như trên, ông Phạm Thành Lê - Admin Diễn đàn Otofun chia sẻ: "Đọc kỹ khoản 5, thấy rằng đây là quy định chi tiết cho một trong các trường hợp cụ thể mà chủ xe có thể gặp phải, đó là xe bị tịch thu trong các vụ án. Cơ quan chức năng đã lường trước đến tình huống phức tạp của vấn đề.
Tuy vậy, điều không lường trước được, đó là sự máy móc của những người thi hành, khi cho rằng việc cắt hàn số khung số máy hoàn toàn khác với việc đục, tẩy xoá số khung số máy".
Theo ông Lê, để Thông tư được chặt chẽ, vẫn cần chỉnh sửa rõ và bổ sung nội dung "xe bị cắt hàn" số khung số máy vào một số trường hợp được cấp lại đăng ký xe, tránh thiệt thòi và mất thời gian cho những người bị hại trong các vụ án như trường hợp chiếc Mazda3 của anh Lê Minh Hoàng.
"Ban điều hành Diễn đàn cũng đang tổng hợp ý kiến của cộng đồng Otofun, chúng tôi sẽ gửi đề xuất để tham góp cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 58 theo hướng chặt chẽ nhưng dễ vận dụng và phù hợp với thực tế hơn", ông Lê nói thêm.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc)
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!