Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 tổ chức cuối tuần vừa rồi ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính lý giải vì sao nền kinh tế Việt Nam cần tự chủ, độc lập: Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc. Đó cũng là cách thức hiệu quả để nâng cao thế và lực của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; là phương thức hữu hiệu góp phần giải quyết những vấn đề nội tại đặt ra đối với nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022. Ảnh: TTXVN

Trong nhiều dịp trước đó, Thủ tướng không ít lần nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập. Trên thực tế, vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách tiền bối đặt ra trong suốt thời gian dài. Quan điểm phát triển “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định” đã từng được nhấn mạnh tại một vài kỳ Đại hội trước đây.

Đáng tiếc là việc triển khai chủ trương của Đảng vào thực tế chưa được như mong muốn. Chúng ta có những chính sách phát triển các ngành công nghiệp “mũi nhọn”, nhưng các chính sách đó lại phân tán, ôm đồm quá nên được không ít người gọi là nền công nghiệp “gai mít”. Các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ không định hình rõ nét, các nền tảng công nghiệp, đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước, ngày càng lụi tàn. Trên những nơi từng là đại công xưởng, nhà máy cơ khí giờ mọc lên các tòa nhà, khu dân cư.

Trong không ít trường hợp, các doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, vỏ hộp hay chai nhựa vốn là những phụ tùng đơn giản nhất. Trong nhiều ngành, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn giản là nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất, gia công. Người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ làm ở đáy của chuỗi giá trị và rất khó vươn lên trên cao. Lao động giá rẻ vẫn là một trong các điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài.

Các số liệu thống kê trước đây từng cho biết, khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm tới 33% GDP, có nghĩa, nền kinh tế dựa vào các thành phần li ti là chính, rất khó vươn lên cao để cạnh tranh với khu vực hay thế giới. 

Khu vực FDI ngày càng lớn mạnh 

Kể từ khi Việt Nam thông qua luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, luồng vốn FDI đã mang lại sức sống năng động, tươi mới cho nền kinh tế. Theo báo cáo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021 do TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư  nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ biên, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với 35.527 dự án FDI còn hiệu lực, số vốn đã thực hiện 251,6 tỷ USD, đạt 61,7 % tổng vốn đăng ký. 

Vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP ngày càng quan trọng. Tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP tăng dần từ 2,1% năm 1989 lên 22,3% năm 2020. FDI cũng trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng, với tốc độ luôn cao hơn các thành phần kinh tế khác, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 23,1%.

Không đánh giá DNNN theo từng dự án, mà đánh giá toàn bộNếu không thay đổi cách đánh giá thì sẽ không tạo ra sự phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các DNNN sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay để an toàn.Xem ngay

Năm 2021, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 246,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm trước và chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Khu vực FDI xuất siêu 26,7 tỷ USD, nếu tính cả dầu thô thì xuất siêu gần 28,5 tỷ USD. Tỷ trọng kim ngạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng từ 26,3% giai đoạn 1989-1996 lên 70,5% giai đoạn 2016- 2020, trong đó năm 2020 chiếm 71,7%.

Xét về cơ cấu thu nộp NSNN, khu vực FDI chiếm 25,8% tổng thu. Riêng trong giai đoạn 2011-2020, khu vực kinh tế này chiếm bình quân 28% tổng thu NSNN hàng năm. Đặc biệt, tại một số địa phương, khu vực FDI giữ vai trò chủ đạo trong đóng góp ngân sách như Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%), Bắc Giang (60%) và Bình Dương (52%).

Như vậy, tỷ trọng đóng góp vào GDP, tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách của khu vực FDI ngày càng lớn và thậm chí vượt trội, lấn át các khu vực kinh tế khác.

Trong năm 2021, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 25,5 tỷ USD. Cần phân tích vì sao doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu nhiều đến vậy, để làm gì? 

Cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh

Vươn lên tự chủ 

Nhắc lại những con số liên quan đến vốn FDI kể trên không phải để so bì, phân biệt đối xử vốn FDI mà là để khẳng định một quan điểm: cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh, làm chủ thị trường trong nước, có các sản phẩm cạnh tranh ở nước ngoài.

Trên nền tảng đó, các chính sách liên quan đến doanh nghiệp cần thiết kế trên tinh thần “điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm, điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Các doanh nghiệp cần được đảm bảo về quyền tài sản, về xét xử ở tòa án; các chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cần được tiếp thêm xung lực. Hơn nữa, họ cần được đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để tránh những cú sốc đổ vỡ. Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát là quan trọng nhất hiện nay đối với doanh nghiệp và người dân.

Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017 đặt ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến 2020 đã thất bại, nhưng chưa được làm rõ. Vậy có nên tổng kết, đánh giá để rút ra các bài học cho các mục tiêu tới đây hay không?

Nghị quyết cũng nêu, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%. Thực hiện những mục tiêu đó sẽ góp phần làm cho nền kinh tế tự chủ, độc lập trong biến động toàn cầu.

Tư Giang - Lan Anh

Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làmHồi đầu tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm tổ trưởng.