Các doanh nghiệp xăng dầu vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng giảm mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,... để bù đắp phần hụt thu ngân sách.

Mở đầu văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tỏ ý chưa thống nhất với cách tính giá cơ sở xăng dầu mới áp dụng của Bộ Tài chính.

Cụ thể, sau vụ việc “lỗ hổng thuế, DN xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diezel và 0% đối với dầu hỏa và madut.

Thế nhưng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách tính này vẫn còn bất cập. Đó là việc luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân.

Ngoài ra, cách tính này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hiệp hội Xăng dầu cũng nhìn nhận, cách tính này tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu.

Để khắc phục, Hiệp hội Xăng dầu đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi, mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu. Do vậy, Hiệp hội đề nghị lấy mức thuế này để tính giá cơ sở.

Việc giảm thuế theo đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu có thể làm giảm thu ngân sách ở khâu nhập khẩu. Do đó, Hiệp hội Xăng dầu đã “hiến kế”, cần tăng thu thuế nội địa, cụ thể là với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,...

Riêng thuế bảo vệ môi trường, Hiệp hội đề nghị tiếp tục áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường ở khâu bán ra, có nghĩa tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Trong nội dung gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu cũng dành một phần để “kêu khó” cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Cụ thể, do tác động trực tiếp của việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế và chính sách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở như trên, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Để tránh nguy cơ nhà máy lọc dầu Dung Quất bị ứ đọng sản phẩm, giãn hoặc dừng sản xuất, ngày 26/2, Hiệp hội đã họp với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Các DN đã cùng kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của lọc hóa dầu Dung Quất đối với xăng từ 20% xuống 10%; các loại dầu và xăng máy bay JetA1 về 0%.

Ngoài ra, cần có chính sách điều tiết phù hợp (phần thuế để lại cho lọc hóa dầu Dung Quất) để sản phẩm của nhà máy này cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Thực tế, đầu năm 2016 lọc dầu Dung Quất đã kêu về nguy cơ đóng cửa khi phải chịu mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diesel, dầu madut là 10%, dầu hỏa là 13%, cao hơn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ASEAN. Trước tình hình đó, tháng 3/2016, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu của Dung Quất về mức 7%.

Hiện thuế nhập khẩu xăng ở thị trường ASEAN vẫn ở mức 20%, còn Hàn Quốc là 10%. ASEAN là thị trường nhập xăng dầu chủ yếu của các DN xăng dầu đầu mối Việt Nam.

Hà Duy