Theo Sky News, Trung Quốc đang trải qua khoảng thời gian hạn hán và nắng nóng kéo dài kỉ lục kể từ năm 1961. Nhằm đối phó với mức nhiệt luôn luôn ở ngưỡng hơn 40 độ C, rất nhiều khu vực của Trung Quốc đã triển khai máy bay không người lái (UAV) và hệ thống tên lửa mang Iốt bạc để tạo ra những cơn mưa nhân tạo.

Trong tuần trước, đại diện Cơ quan Khí tượng Quý Châu cho biết đã lên lịch cất cánh cho 8 UAV để có thể tạo mưa trên toàn tỉnh. Một điều thuận lợi là bão Ma-on đã làm tăng lượng mây tự nhiên, khiến cho xác suất thành công của quá trình này tăng lên đáng kể. Trước đó, các UAV cũng mang tới một cơn mưa cho tỉnh Hà Nam, nơi được coi là vựa lúa của Trung Quốc.

Tại Tứ Xuyên, các tên lửa mang Iốt bạc đã thành công mang lại cơn mưa cho một khu vực có diện tích 600km2. Chính quyền địa phương cho biết đã phóng 15 quả tên lửa để mang lại trận mưa, và đang lên kế hoạch tương tự tại thành phố Trùng Khánh.

"Chúng tôi đã chuẩn bị đủ số tên lửa để có thể tạo ra những cơn mưa trên diện rộng. Tất nhiên, hoạt động này phải được giám sát một cách chặt chẽ để giảm nền nhiệt một cách hiệu quả nhất", đại diện chính quyền Tứ Xuyên cho biết.

UAV tạo mưa nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh: SN

Công nghệ làm mưa nhân tạo là phương pháp sử dụng tên lửa hay UAV để bơm một lượng nhỏ Iốt bạc vào các đám mây có nhiều hơi ẩm, sau đó chúng ngưng tụ xung quanh các hạt mới, trở nên nặng hơn và cuối cùng rơi xuống dưới dạng kết tủa.

Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng phương pháp này vào năm 1940. Hiện tại, mưa nhân tạo vẫn đang được sử dụng như một biện pháp quan trọng trong việc tăng cường giám sát và ứng phó với thiên tai. 

Vào năm 2008, để làm giảm khói bụi và tránh mưa trước thềm Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc đã phóng hơn 1.000 tên lửa mang Iốt bạc từ 21 địa điểm khác nhau ở thủ đô trong hơn 7 giờ đồng hồ.

Việt Dũng