Na Uy được biết đến là nơi có sản lượng cua hoàng đế lớn trên thế giới, công suất khai thác khoảng 2.000 tấn mỗi năm.

Với cách khai thác theo hướng bền vững, đất nước này đang duy trì nguồn lợi hải sản ở mức ổn định với chất lượng đạt chuẩn "5 sao". 

PV. VietNamNet theo chân ngư dân Bjørn Ronald Johannessen lên thuyền chạy dọc theo bờ biển quận Finnmark, phía bắc Na Uy để tận thấy quy trình đánh bắt loại hải sản thượng hạng này.

Bjørn Ronald Johannessen bước lên con thuyền dài khoảng 10m, mất khoảng 20 phút để ngư dân này tiến đến vùng biển Barent. Ảnh: Đoàn Bổng 
Trên con tàu đánh bắt cua hoàng đế, ngư dân sử dụng thiết bị thăm dò trữ lượng cua để thực hiện đặt bẫy. Sau khi xác định được vị trí, ngư dân thả bẫy ở độ sâu khoảng 70m. Ảnh: Đoàn Bổng
Với sự giúp sức của công nghệ thăm dò, ngư dân này sử dụng máy tờ kéo từ đáy biển Barent được khoảng 1 tạ cua hoàng đế. Theo Bjørn Ronald Johannessen, mỗi chiếc bẫy nhấc lên được gần 1 tạ là kết quả trên cả mong đợi. Ảnh: Đoàn Bổng
Theo Bjørn Ronald Johannessen, những con cua có trọng lượng trên 2kg sẽ được cho vào thùng chuyên dụng, những con dưới 2kg sẽ được thả về tự nhiên.  Ảnh: Đoàn Bổng
Ở Na Uy, chỉ có 800 ngư dân được Chính phủ cấp phép đánh bắt cua hoàng đế. Mỗi năm, mỗi một ngư dân chỉ được khai thác khoảng 2 tấn cua. Ảnh: Đoàn Bổng 
Chính vì giới hạn sản lượng cua được đánh bắt có giới hạn nên Bjørn Ronald Johannessen cho biết có năm anh chỉ mất khoảng 2 tuần để hoàn thành công việc của cả năm. Số tiền lãi từ việc bán cua hoàng đế vào khoảng 70.000 USD. Ảnh: Đoàn Bổng 
Tổng cục Hải sản (trực thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Hải sản Na Uy) là đơn vị cấp phép cho các ngư dân về số lượng được phép khai thác. Bjørn Ronald Johannessen chia sẻ, năm 2023, anh được đặt tối đa 30 chiếc bẫy và khai thác không quá 2 tấn cua hoàng đế. Ảnh: Đoàn Bổng

Sau khoảng 2h đi bắt cua, ngư dân Johannessen lái thuyền về cập cảng. Tại đây, một cần cẩu của doanh nghiệp thu mua cua hoàng đế chờ sẵn để chuyển "chiến lợi phẩm" vào sơ chế, phân loại. Ảnh: Đoàn Bổng

Nhân viên công ty thu mua cua rồi phân loại vào các thùng xốp khác nhau. Ảnh: Đoàn Bổng
Đơn vị thu mua sẽ đánh số để phân loại cân nặng cua sau khi nhập vào kho. Ảnh: Đoàn Bổng
Ông Erlend Johnsen - giám đốc bán hàng của doanh nghiệp - cho biết, trong quá trình đó, các nhân viên sẽ phân loại cua hoàng đế đực và cua cái. Theo quy định, ngư dân chỉ được đánh bắt khoảng 5% số lượng cua cái để đảm bảo sản lượng cua. Ảnh: Đoàn Bổng 
Món ăn chế biến từ cua hoàng đế được bày lên bàn tiệc, phục vụ các thực khách. Ảnh: Đoàn Bổng
Một góc yên bình tại thành phố Honningsvåg. Ảnh: Đoàn Bổng