Suy sụp vì ‘án treo’ sau lần xét nghiệm máu tìm ung thư
Anh Lê Hà (Hà Nội) hốt hoảng nhắn tin cho một bác sĩ chuyên ngành ung thư (từng công tác tại Bệnh viện K Trung ương) vào đêm tối mong được giúp đỡ. Anh nói rằng mình đang sợ hãi đến mức trầm cảm vì có thể bị ung thư.
Nguyên nhân là anh được người quen khuyên đi xét nghiệm máu sàng lọc ung thư. Anh Hà được làm tới 17 dấu ấn ung thư (chất chỉ thị ung thư, tumor markers), kết quả đều bình thường.
Tuy nhiên anh này thấy AFP (chất chỉ thị ung thư của ung thư gan) là 13 ng/ml cao hơn so với tham chiếu là 0 - 7 ng/ml, về nhà mất ăn mất ngủ. Theo đó, anh lên mạng tìm kiếm hiểu và cho rằng “nếu chất chỉ thị ung thư cao sẽ bị ung thư”. Sau khi được chuyên gia ung thư này kiên nhẫn giải thích, anh Hà mới trút được nỗi sợ trong lòng.
Tương tự, chia sẻ với VietNamNet, Ths.BS Thân Văn Thịnh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho hay, bác sĩ cũng đã từng gặp rất nhiều trường hợp khoẻ mạnh tới khám, xin xét nghiệm máu để xem có ung thư hay không. Trong đó, có một người dân ở Nam Định. Tin vào quảng cáo, xét nghiệm máu thấy chất chỉ thị ung thư tăng vọt, được khuyến cáo là nghi ngờ mắc ung thư, người này khóc hết nước mắt. Người này tiếp tục đến bệnh viện yêu cầu bác sĩ thăm khám kiểm tra. Nhưng kết quả nội soi dạ dày lại không có gì bất thường.
Một trường hợp rơi vào cảnh "dở khóc dở cười khác" là bệnh nhân (45 tuổi, ở Hải Phòng) cũng từng sử dụng dịch vụ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư. Sau khi nhận được thông báo "Chất chỉ thị CEA dương tính, nên đi khám chuyên khoa" người này mất ăn mất ngủ vì lo lắng mắc ung thư.
Anh đến một phòng khám và làm một loạt xét nghiệm khác bao gồm chụp CT, nội soi đại tràng, nội soi dạ dày nhưng các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ khối u nào.
Thay vì vui mừng, anh lại không tin vào kết quả mình hoàn toàn khỏe mạnh dù được bác sĩ hết lời giải thích. Người bệnh tiếp tục lo lắng với lý do: "Người ta nói đây là chỉ số ung thư nên có lẽ ung thư phải có ở đâu đó".
Chất chỉ thị ung thư không có giá trị trong việc tầm soát ung thư
Hiện nay, quảng cáo xét nghiệm máu để phát hiện ung thư sớm “từ trong trứng nước” khiến nhiều người tin và thử bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng người dân không nên móc hầu bao làm một đống xét nghiệm này để rước nỗi lo vào người.
“Trong đa số bệnh ung thư, xét nghiệm máu chỉ hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng bệnh chứ không phải là công cụ để tầm soát hoặc chẩn đoán ung thư”, Ths.BS Thịnh thông tin với VietNamNet.
Đồng quan điểm với Ths.BS Thịnh là TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản). Anh cũng là đồng sáng lập và Trưởng dự án Y học cộng đồng tổ chức thiện nguyện với mục tiêu giúp đỡ người bệnh, nâng cao dân trí y tế của người Việt.
TS.BS Quý khẳng định, không có xét nghiệm tầm soát ung thư bằng máu nào được công nhận rộng rãi vì thiếu bằng chứng khoa học chắc chắn về lợi ích.
Theo chia sẻ của TS.BS. Quý, các tín hiệu từ ung thư chỉ xuất hiện nhiều hơn và chắc chắn hơn trong máu khi ung thư tiến triển đến một giai đoạn nhất định.
Như trong trường hợp ung thư đại tràng, ở giai đoạn 0, khối u khu trú trong lớp niêm mạc nên rất hiếm khi được phát hiện qua xét nghiệm máu mà chỉ có thể phát hiện qua nội soi quan sát trực tiếp lòng ruột. Khi khối u xâm lấn hay "ăn sâu" xuống lớp cơ bên dưới (có khi ăn thủng thành đại tràng và tiếp tục sang cơ quan bên cạnh) mới có tín hiệu nào đó từ ung thư xuất hiện trong máu.
Theo một số nghiên cứu, độ nhạy của chất chỉ thị ung thư CEA thay đổi theo giai đoạn, chỉ tầm 21% cho giai đoạn I, 39% ở giai đoạn II và 42% đối với giai đoạn III của ung thư đại tràng. Như vậy, nhược điểm của xét nghiệm này là không đủ nhạy và chúng ta có thể hiểu tại sao nhiều người nhận kết quả CEA âm tính nhưng thật ra đã có bệnh ung thư trong người.
“Tầm soát bằng CEA sẽ làm người ta chủ quan vì... âm tính giả. Tôi từng gặp nhiều ca nhập viện vì tắc ruột trong khi CEA hoàn toàn âm tính”, TS.BS Quý cho biết.
Một điểm trừ khác của chất chỉ thị ung thư là không hề đặc hiệu cho ung thư đại tràng. Chỉ số CEA có thể tăng ở ung thư bàng quang, vú, buồng trứng, phổi, tuỵ, dạ dày, tuyến giáp. Nhưng CEA cũng có thể tăng ở các bệnh lành tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm túi mật, viêm túi thừa, bệnh viêm ruột, nang vú, hoặc một số bệnh khác ở gan và phổi.
Điều này có nghĩa là nếu CEA dương tính, bác sĩ sẽ thường chỉ định thêm hàng loạt xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân tăng CEA. Ngoài lo lắng, ảnh hưởng tâm lý, bệnh nhân sẽ tốn hàng triệu tới hàng chục triệu đồng cho các xét nghiệm như CT cản quang hoặc PET/CT, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, siêu âm bụng...
“Chưa kể là các xét nghiệm này sẽ có thể được lặp lại hằng năm vì bệnh nhân khó thoát khỏi ám ảnh từ cái tên 'chất chỉ thị ung thư', dù không có ý nghĩa chỉ thị đặc hiệu gì”, TS.BS Quý khẳng định.
Với sự lo lắng, hoang mang, người nhận kết quả dương tính thường sẽ đi đo lại định kỳ và tiếp tục các khảo sát cho tới khi tìm ra nguyên nhân gì đó.
Các báo cáo khác cho thấy việc sử dụng xét nghiệm máu để tầm soát ung thư làm tăng nguy cơ gặp biến chứng y khoa do chẩn đoán và can thiệp quá mức (không cần thiết). Một số bệnh nhân sẽ tình cờ phát hiện ra tổn thương nào đó trong người, phải chọc kim/mổ sinh thiết thêm để chẩn đoán cho rõ ràng mà thủ thuật y tế nào cũng sẽ đi kèm nguy cơ biến chứng.
“Xét nghiệm máu đo các chất chỉ thị như CEA, CA19-9, SCC... có nguy cơ dương tính giả, âm tính giả cao và số liệu thực tế cũng cho thấy chúng không giúp người đi tầm soát sống lâu hơn. Tất cả các Hiệp hội chuyên khoa về ung thư đã ra khuyến cáo không nên sử dụng các xét nghiệm này trong việc tầm soát ung thư. Người dân cần tỉnh táo để không bị rơi vào vòng xoáy quá sợ do dương tính và chủ quan do âm tính”, TS.BS Quý khuyến cáo.
Tương tự, Th.BS Thân Văn Thịnh lưu ý rằng không có một phương pháp nào có thể tầm soát hiệu quả, chủ lực cho tất cả bệnh ung thư. Mỗi một bệnh ung thư lại có một cách tầm soát riêng. Bệnh nhân quan tâm tới tầm soát ung nên tới các cơ sở chuyên khoa ung bướu uy tín và cân nhắc kỹ lưỡng sau khi nghe tư vấn của bác sĩ.
"Vì xét nghiệm tầm soát là một dạng đầu tư cho tương lai và cần làm định kỳ, người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo, rỉ tai mất tiền nhưng không có hiệu quả chắc chắn", Ths.BS Thịnh khẳng định.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi!