Kiên quyết với ‘nạn’ tour giá rẻ, 0 đồng

Tại Hội nghị Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, diễn ra hôm qua (9/1), ông Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, đánh giá, trong dài hạn, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của du lịch Việt Nam, cả inbound (khách vào) và outbound (khách Việt đến Trung Quốc) nên cần có chính sách hài hòa, đồng bộ về lợi ích.

Theo ông Dũng, thị trường Trung Quốc trước đây chủ yếu dựa vào các nguồn khách lớn, “tour hub” dẫn dắt, đôi khi làm biến tướng du lịch Việt Nam. Thu ngân sách từ khách Trung Quốc không nhiều, lợi ích của du khách chưa được đảm bảo. Vấn đề đặt ra là với những hạn chế đó, du lịch Việt Nam có quyết tâm thay đổi cấu trúc đón khách Trung Quốc hay không. 

Nhìn nhận vai trò quan trọng của khách du lịch Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH lữ hành quốc tế Tictours (Khánh Hòa), cho rằng, chỉ có nguồn khách này mới có thể lấp được khoảng trống cực lớn của ngành du lịch, đặc biệt tại Nha Trang, khi 2 năm qua các khách sạn tại đây chỉ đạt 10-15% công suất phòng.

Việt Nam chuẩn bị kế hoạch đón khách Trung Quốc trở lại (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, cần có giải pháp để tránh vết xe đổ trước kia trong đón khách Trung Quốc, như làm giá rẻ, tour 0 đồng, tour trốn thuế,... từ đó, tạo sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp. Đặc biệt, ông lưu ý vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp Việt Nam bắt tay làm việc bất hợp pháp, trốn thuế.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, liên quan đến tour 0 đồng, cần gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp. Sau 3 năm Covid, cần đưa ra các giải pháp tốt nhất, dứt khoát, rõ ràng, vì quyền lợi khách du lịch hai nước, tránh tai tiếng cho du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có lẽ chúng ta đang quá khắt khe với tour du lịch 0 đồng. Bà Ngô Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên, lý giải, khách đi tour 0 đồng không phải không đem lại nguồn lợi, mà quan trọng là quản lý như thế nào thông qua cách bán hàng. Khách Trung Quốc rất hào phóng trong chi tiêu và thích mua sắm. Do đó, cần có sản phẩm tốt thúc đẩy khách tăng chi tiêu tại điểm đến, vấn đề này cần được bàn thảo lại một hội nghị chuyên đề riêng. 

Theo giám đốc một công ty du lịch, khách Trung Quốc là thị trường rất lớn, của cả thế giới, do đó cần có tầm nhìn quốc gia. Thời gian qua, chúng ta mới đạt được về số lượng, nhưng thất bại về chất lượng, về phương pháp quản trị. Sau Covid mọi đã mới cần tìm con đường mới để đi, nên nhìn về cái lớn hơn, tầm quốc gia thay vì theo nhóm, câu lạc bộ đón khách như trước.

Về đối tượng khách, không nên phân biệt, khách 0 đồng hay khách đại gia, bởi khách sạn 5 sao đều bán giá như nhau cả. Ngoài lưu trú, cả nhà hàng, ăn uống, điểm tham quan, vận chuyển,... chủ thể là doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sai chúng ta đã có cơ chế xử lý, như thuế, quản lý thị trường,... Tour 0 đồng không mới, nhưng thu nhập GDP trên đầu người Trung Quốc giờ đã 10.000 USD nên cũng cần coi hành vi sai với khách Trung Quốc như khách đến từ các thị trường khác. 

Coi khách Trung Quốc như khách Âu, Mỹ

Ông Cao Trí Dũng cho rằng, sau 3 năm đại dịch, khách Trung Quốc bắt đầu trở lại nhưng ghi nhận có sự thay đổi cơ bản về nhu cầu, đối tượng du lịch. Nguồn khách lớn theo đó vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng sẽ xuất hiện nhu cầu đi lại nhỏ lẻ, nhu cầu mới thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Dự báo, khách Trung Quốc đi du lịch sẽ bùng nổ, đặc biệt là giới trẻ. Họ sẽ chọn các điểm đến đang thu hút khách, đi lại bằng đường bộ hoặc có đường bay thuận lợi. 

Theo khảo sát của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng như mạng Ctrip, khách Trung Quốc chưa chọn Việt Nam là điểm đến. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Là doanh nghiệp đón lượng khách Trung Quốc lớn vào Việt Nam (khoảng 80.000-90.000 khách năm 2019), bà Ngô Lan Phương cho hay, khách Trung Quốc từ trước đến nay đi theo nhóm, theo đoàn thì nay họ đi tự do, đi lẻ nhiều hơn và tăng mạnh việc mua tour trên các nền tảng trực tuyến. 

Hành vi khách của khách cũng thay đổi nhiều. Sau Covid, khách Trung Quốc yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, nay đơn vị lữ hành phải khảo sát thực tế, làm đúng tiêu chuẩn như khách châu Âu. 

Bà Phương cũng chỉ ra rằng, chúng ta đang thiếu một slogan kêu gọi khách Trung Quốc vào Việt Nam. “Trung Quốc dễ ở chỗ xúc tiến là có khách ngay, không giống như châu Âu. Năm nay tôi đi hội chợ ITB ở Đức hay WTM tại Anh thì ít nhất 1-2 năm sau mới có booking, thì riêng Trung Quốc xúc tiến hôm nay tuần sau mình có khách ngay. Dễ nhưng cách làm thế nào”, bà nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhận xét, ngay tại hội nghị này, thông tin về việc đón khách Trung Quốc còn nhiều chỗ chưa rõ ràng ở cả hai đầu, như: quy định thủ tục phía bạn, phía ta; chính sách visa có chỗ nói chưa được duyệt, có chỗ nói được duyệt; thông tin về phía bạn đón khách hay chưa, dịch bệnh vẫn đang diễn ra vậy cư xử như thế nào để đảm bảo an toàn cho khách? 

Ông kiến nghị, Bộ VH-TT&DL cần sớm làm việc với Bộ Y tế để có quy định chung về điều kiện y tế đón khách trên toàn quốc, trong đó có đón khách Trung Quốc. 

Ông Vũ Thế Bình lưu ý, trước đây ta đã lỡ một nhịp khi mở cửa du lịch quốc tế, nay với khách Trung Quốc, việc chuẩn bị cần nhanh và quyết liệt. Khi chưa có chính sách rõ ràng về chính sách xuất nhập cảnh, visa, cần sớm gặp và thỏa thuận ngay với phía Trung Quốc về việc khách nào sang trước, khách nào sang sau cũng như bàn giải pháp cụ thể về xử lý tiêu cực, các hoạt động du lịch trái phép. 

"Trong thời gian chờ đợi, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón và phục vụ khách, đảm bảo đón khách Trung Quốc như khách Mỹ, khách Nhật, khách Tây Âu vậy", ông Bình nhấn mạnh.