Đó là đề xuất của ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, tại Hội nghị Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, diễn ra sáng 9/1 tại Móng Cái.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giai đoạn trước Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu 225 tỷ USD, chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách zero Covid, trong 3 năm (2020-2022) Trung Quốc đóng cửa. Vì vậy, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, không đón được vị khách Trung Quốc nào. 

Trong khi đó, với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về inbound và outbound. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc, còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa; các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, không quản lý được, khiến nhiều khách Trung Quốc không hài lòng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai. 

Khách Trung Quốc thực hiện 155 triệu chuyến bay đi du lịch các nước năm 2019 (Ảnh: Reuters)   

“Những việc làm trên đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước”, ông Bình nhận xét.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá việc nhà chức trách Trung Quốc thông báo sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. 

Song, điều đó cũng đòi hỏi ngành du lịch phải vượt qua những thách thức không nhỏ, bởi 3 năm đại dịch đã làm thay đổi từ nội tại ngành như sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích cũng như phương thức tiếp cận.

Do đó, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho hay, thời gian tới, ngành cần giải quyết các vấn đề: cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng vừa phải đảm bảo an toàn vừa phòng chống dịch bệnh; tạo điều kiện về các thủ tục nhập cảnh thuận tiện nhất có thể; kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố vốn là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Cần đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Cần đặt vấn đề, liệu đây là thời điểm ta thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.

Việc đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch,... cũng cần khẩn trương triển khai.

Ngoài ra, cần kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá, các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch, đầu tư, kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm, đón các đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc... Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như Weibo, Douyin, Xigua,...

Đặc biệt, xây dựng nguồn nhân lực du lịch phục vụ khách Trung Quốc. 

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, địa phương tiếp giáp Trung Quốc nên luôn đi đầu trong việc xây dựng sản phẩm và cơ sở hạ tầng đón dòng khách tỷ dân này. Số khách Trung Quốc đến Quảng Ninh liên tục tăng, năm 2019 đạt 750.000 lượt, trong đó lớn nhất là đường bộ. 

Nhưng hoạt động đón khách thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: cạnh tranh không lành mạnh, ép giá, hạ giá, giảm chất lượng dịch vụ, có dấu hiệu gian lận thương mại. Nhất là giai đoạn 2017-2019, vấn đề du lịch giá rẻ, tour 0 đồng gây ra nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm. 

Do đó, liên quan đến chính sách, ông Thủy đề xuất, cần có cơ chế đồng bộ, phù hợp. Ngành du lịch xem xét nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù về đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu. Trước mắt, khi chưa có cơ chế, các hiệp hội du lịch, địa phương, doanh nghiệp lữ hành có cách tổ chức đón khách Trung Quốc thông qua các nhóm, câu lạc bộ hoặc hình thức phù hợp. Từ đó, hạn chế hiện tượng tour giá rẻ, tour 0 đồng. Ông Thủy nhấn mạnh, điều này cần có sự trao đổi, sự đoàn kết nhất trí cao giữa các doanh nghiệp mới làm được.